|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PMI tháng 5 giảm còn 53,1 điểm, tăng trưởng sản lượng thấp nhất trong 3 tháng do dịch COVID-19 bùng phát

10:11 | 01/06/2021
Chia sẻ
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI của Việt Nam trong tháng 5 đạt 53,1, giảm so với tháng 4 (54,7 điểm). Kết quả này cho thấy các điều kiện kinh doanh cải thiện lần thứ sáu liên tiếp, và đây là mức cải thiện tốt mặc dù đã yếu hơn so với tháng trước.

Theo thông cáo mới công bố của IHS Markit, có những dấu hiệu cho thấy đợt bùng phát COVID-19 ở Việt Nam đã kìm hãm tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất trong tháng 5. 

Trong đó, tốc độ tăng trưởng sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều chậm lại so với tháng trước, các công ty cho biết họ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn đặt hàng và mua nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh đã làm giá bán hàng tăng ở mức mạnh nhất trong hơn một thập kỷ.

PMI tháng 5 giảm còn 53,1 điểm, tăng trưởng sản lượng thấp nhất trong 3 tháng - Ảnh 1.

PMI Ngành Sản xuất Việt Nam. (Nguồn: IHS Markit)

Theo dữ liệu mới nhất và các số liệu thống kê chưa đầy đủ của cuộc khảo sát, đợt bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 đã kìm hãm tăng trưởng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tại thời điểm giữa quý II. 

Tốc độ tăng sản lượng chậm lại thành mức thấp của ba tháng nhưng vẫn là mạnh khi số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng. Tình trạng tương tự diễn ra với số lượng đơn đặt hàng mới khi chỉ số này tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng hai nhưng đã là tháng tăng thứ chín liên tiếp. 

Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng tăng mạnh khi một số thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi từ đại dịch. Số ca nhiễm mới tăng cũng ảnh hưởng đến việc tuyển dụng nhân công trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Việc làm đã tăng tháng thứ tư liên tiếp nhưng mức tăng là nhẹ. 

Tình trạng thiếu hụt nhân công đã góp phần làm lượng công việc tồn đọng tăng gần bằng mức kỷ lục khi các công ty đang phải chật vật đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới. Lượng công việc chưa thực hiện tăng với mức độ cao nhất trong hơn một thập kỷ.

PMI tháng 5 giảm còn 53,1 điểm, tăng trưởng sản lượng thấp nhất trong 3 tháng - Ảnh 2.

(Nguồn: IHS Markit, Tổng cục Thống kê).

Hoạt động sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi thời gian giao hàng của nhà cung cấp kéo dài ở mức độ cao nhất trong một năm. Mặc dù giao hàng chậm, các công ty đã tăng cả số lượng hàng mua và mức tồn kho hàng mua khi các công ty cần tích lũy hàng hóa. Tuy nhiên, trong cả hai khía cạnh, tốc độ tăng đã chậm hơn so với tháng 4. 

Trong khi đó, tồn kho thành phẩm hầu như không thay đổi khi hàng tồn kho được dùng để đáp ứng các đơn đặt hàng mới trong khi sản lượng lại tăng hạn chế. Tình trạng ổn định đã kết thúc chuỗi tăng tồn kho thành phẩm kéo dài ba tháng. 

Tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 5 đã nhanh hơn thành mức cao của 40 tháng. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiếp tục làm tăng giá nguyên vật liệu, và cả sắt, thép và dầu đều được báo cáo là tăng giá. Cước phí vận tải cao cũng được nhắc đến. 

Để bù đắp, các nhà sản xuất đã tăng đáng kể giá bán hàng. Hơn nữa, tốc độ lạm phát là nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua, và là mức cao thứ ba kể từ khi hoạt động khảo sát được bắt đầu. 

Tâm lý kinh doanh đã giảm thành mức thấp của ba tháng vì những lo ngại về đại dịch COVID-19, nhưng nhìn chung các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới. Với hy vọng dịch sẽ được kiểm soát trở lại và triển vọng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đã hỗ trợ cho niềm tin kinh doanh.

Như Ngọc