PJICO không muốn Petrolimex thoái vốn
Theo tin từ uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), đoàn công tác của CMSC do Phó Chủ tịch uỷ ban Hồ Sỹ Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc tại hai doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) là CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex (Petrolimex Aviation) và Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã: PGI).
Tổng giám đốc PJICO nhận định trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trong nước đang được kiểm soát hiệu quả, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng sau khi trải qua hai đợt dịch, tuy nhiên thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng năm 2019.
Liên quan tới tình hình kinh doanh, Tổng giám đốc PJICO cho biết tổng doanh thu năm 2020 ước đạt 4.082 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm. Doanh thu bán bảo hiểm qua cửa hàng xăng dầu Petrolimex năm 2020 tăng trưởng khoảng 30%.
Về kiến nghị đối với uỷ ban, Tổng giám đốc PJICO mong muốn uỷ ban xem xét trình các cấp có thẩm quyền cho phép Tập đoàn Petrolimex tiếp tục nắm giữ vốn tại PJICO. Ngoài ra, để đảm bảo biên thanh toán tối thiểu theo quy định của pháp luật, PJICO kiến nghị uỷ ban cho phép doanh nghiệp được chia cổ tức theo hình thức phù hợp trong ba năm (2021 - 2023).
Tính tới hết quí III/2020, Tập đoàn Petrolimex nắm 40,95% vốn của PJICO, tương ứng với giá trị đầu tư là hơn 626 tỷ đồng. Hai cổ đông lớn khác là Samsung Fire & Marine Insurance Company Limited sở hữu 20% vốn bên cạnh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam nắm 8% vốn tại đây.
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, cổ đông của PJICO đã thông qua việc nới "room" ngoại từ 49% lên 100%.
Theo biên bản họp, lãnh đạo PJICO chia sẻ việc nới "room" một mặt tuân thủ luật chứng khoán và cam kết của Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế, giúp minh bạch thông tin đồng thời đem lại lợi ích cho nhà đầu tư.
Với Petrolimex Aviation, để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025, Tổng giám đốc công ty đề nghị uỷ ban trao đổi với bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn cụ thể về thủ tục giao đất, cho thuê đất tại các cảng hàng không sân bay.
Bên cạnh đó, Petrolimex Aviation cũng đề nghị uỷ ban báo cáo chính phủ cho phép kéo dài thời gian thanh khoản tờ khai tạm nhập - tái xuất nhiên liệu bay thêm ít nhất 60 ngày (lên 120 ngày, không kể thời gian được phép gia hạn theo quy định) trong suốt thời gian chính phủ chưa mở lại hoàn toàn các chuyến bay thương mại quốc tế đi và đến.
Ngoài ra, công ty cũng đề xuất uỷ ban ủng hộ đề án tái cấu trúc công ty thành tổng công ty tiến tới công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán (mở rộng phạm vi, quy mô, lĩnh vực hoạt động, tăng quy mô vốn…).
Về đề xuất cho phép kéo dài thời gian thanh khoản tờ khai tạm nhập - tái xuất nhiên liệu bay, Phó Chủ tịch CMSC Hồ Sỹ Hùng đề nghị Vụ Công nghiệp rà soát, tập hợp thêm số liệu báo cáo của các doanh nghiệp bên cạnh Petrolimex Aviation để có báo cáo đề xuất lãnh đạo ủy ban kiến nghị chính phủ và trao đổi với các bộ, ngành liên quan nếu phù hợp.
Đối với đề xuất tái cấu trúc, thành lập tổng công ty, Phó Chủ tịch CMSC khẳng định, ủy ban ủng hộ doanh nghiệp tiến hành, tuy nhiên đề nghị Petrolimex Aviation rà soát kĩ mô hình tổ chức hoạt động và có báo cáo lãnh đạo tập đoàn để bổ sung cơ sở cho báo cáo đề án tái cơ cấu toàn tập đoàn trình ủy ban xét duyệt.
Hết quí III, Tập đoàn Petrolimex còn nắm giữ 59% vốn của Petrolimex Aviation, tương ứng với giá trị đầu tư khoảng 88,5 tỷ đồng.
Petrolimex Aviation được thành lập từ tháng 4/2008, được sở hữu bởi Tập đoàn Petrolimex, CTCP Hóa dầu Quân đội và một số cổ đông nhỏ khác.
Công ty là một trong 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chuyên doanh mặt hàng nhiên liệu hàng không (bên cạnh Skypec, Tapetco, Dương Đông) và là một trong số ít doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không tại các cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam.
Hiện nay, công ty đang cung cấp nhiên liệu hàng không cho 56 khách hàng trong nước và quốc tế tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.