Cuộc chơi của SSG tại IDICO
Cuối tháng 11, Bộ Xây dựng thông báo đã đấu giá thành công toàn bộ 108 triệu cổ phần IDC của Tổng công ty IDICO - CTCP với mức giá trung bình 26.936 đồng/cp, tổng trị giá cổ phần bán được là 2.909 tỷ đồng.
Tính tới hiện tại IDICO vẫn chưa công bố danh tính các cổ đông. Thông tin trước đó từ IDICO cho biết, đã có 8 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng kí mua 93,6 triệu cổ phần (31,2%) và một tổ chức trong nước đăng kí 32,4 triệu cổ phần (10,8% vốn).
Còn theo các nhà môi giới, phía Tập đoàn SSG có thể đã âm thầm gom thêm cổ phần của IDICO - "ông lớn" khu công nghiệp IDICO với quĩ đất sạch cho thuê xấp xỉ 900 ha, theo số liệu từ báo cáo của Chứng khoán VNDirect.
Ngày 30/11 vừa qua, tức sau 3 ngày sau buổi đấu giá, Tập đoàn SSG đã dùng 67,5 triệu cổ phiếu IDC làm tài sản thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - chi nhánh TP HCM. Với thị giá hơn 28.000 đồng/cp cuối tháng 11, 67,5 triệu cổ phiếu IDC có giá trị thị trường trên 2.170 tỷ đồng.
Thông tin mới nhất từ IDICO cho biết, Hội đồng quản trị Tổng công ty đã thống nhất thông qua ông Đặng Chí Trung, thành viên HĐQT IDICO đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc công ty thời hạn 5 năm thay cho ông Nguyễn Văn Đạt kể từ ngày 15/12.
Tân tổng giám đốc IDICO giữ vị trí thành viên HĐQT IDICO từ tháng 3/2018 và là người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn SSG tại công ty sau khi IDICO thực hiện IPO trong cùng năm. Hai nhà đầu tư đã được chọn làm đối tác chiến lược khi đó là CTCP Tập đoàn SSG và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco cùng nắm giữ 22,5% vốn.
Bí ẩn về cơ cấu cổ đông của Tập đoàn SSG
CTCP Tập đoàn SSG được thành lập vào ngày 24/10/2003, gồm có 24 công ty thành viên hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực gồm: Đầu tư kinh doanh bất động sản, phát triển giáo dục và năng lượng tái tạo.
Hết năm 2019, vốn điều lệ của SSG đạt 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã không tăng vốn kể từ tháng 8/2014.
Thông tin về cơ cấu cổ đông của Tập đoàn SSG đến nay vẫn là ẩn số. Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, danh sách cổ đông không được công ty công bố cụ thể.
Theo tìm hiểu, thì Tập đoàn Bảo Việt từng rót vốn 225 tỷ đồng vào SSG để nắm 5% cổ phần. Căn cứ số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Bảo Việt, tại ngày 30/9, giá trị thuần của khoản đầu tư vào SSG chỉ còn 145 tỷ đồng sau khi trích dự phòng gần 80 tỷ.
VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quĩ lớn nhất do VinaCapital quản lý từng đầu tư vào Tập đoàn SSG với tỷ lệ khoảng 0,6% danh mục tại thời điểm tháng 11/2013 (748,7 triệu USD), tương ứng giá trị khoảng 4,49 triệu USD.
Còn theo hồ sơ năng lực của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thuận Việt (doanh nghiệp có vốn 1.000 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án New City tại Thủ Thiêm - quận 2, TP HCM), Thuận Việt là cổ đông sáng lập của Tập đoàn SSG. Tuy nhiên, Thuận Việt không cho biết tỷ lệ sở hữu là bao nhiêu. Thuận Việt là đơn vị chuyên về tổng thầu xây dựng đã từng hợp tác cùng Tập đoàn SSG trong việc triển khai dự án Saigon Pearl.
Về cơ cấu ban lãnh đạo, theo giới thiệu trên website thì Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Hồng Phương.
Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của SSG là ông Đinh Ngọc Ninh (sinh năm 1960). Trong HĐQT còn gồm 3 thành viên khác là bà Nguyễn Thị Tường Giang, bà Hứa Thị Bích Hạnh, ông Võ Thế Minh.
Bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cấp cao HĐQT của Ngân hàng TrustBank (nay là CBBank) đã rút khỏi HĐQT của Tập đoàn SSG Group căn cứ theo thông tin nghị quyết đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) diễn ra vào tháng 10/2016 sau khi liên quan tới đại án Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng. Bà Hứa Thị Bích Hạnh, thành viên HĐQT của SSG là cháu ruột của bà Phấn.
PV-SSG "hồi sinh", đem lại quả ngọt cho SSG
Về tình hình kinh doanh, theo số liệu người viết có được thì doanh thu của công ty mẹ Tập đoàn SSG giai đoạn 2016 - 2019 chỉ dao động từ 1 - 2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt trên dưới ngưỡng 200 tỷ đồng, tuy nhiên năm 2017 ghi nhận tăng vọt lên 443 tỷ đồng nhờ đóng góp từ các công ty thành viên.
Căn cứ số liệu doanh nghiệp công bố ở nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2016 thì năm 2015 lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả Tập đoàn SSG đã ở mức 230 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này thậm chí nhỉnh hơn con số của các ông lớn như CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG), CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) thời điểm đó.
Ở mảng kinh doanh bất động sản, các dự án của Tập đoàn SSG tập trung chủ yếu ở TP HCM. Trong đó, các dự án đã hoàn thành của tập đoàn như: Saigon Pearl - Khu dân cư phức hợp cao cấp, khu biệt thự Saigon Pearl Villas, Pearl Plaza, Thảo Điền Pearl, Saigon Airport Plaza đều ở TP HCM và dự án sân tập golf Mỹ Đình Pearl ở Hà Nội.
Loạt dự án đang triển khai khác ở TP HCM như: Pearl 5 (1.683 m2), Opal (41 tầng), Cape Pearl (2 ha), Thanh Đa Pearl (2.776 m2), dự án Khu phức hợp ở - thương mại - dịch vụ quận 12, TP HCM (2,1 ha) với dự án Mỹ Đình Pearl (3,8 ha) ở Hà Nội.
Trong số các công ty thành viên của Tập đoàn SSG thì CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam - SSG (PV-SSG), Công ty TNHH Vietnam Land SSG, CTCP Địa ốc và Xây dựng SSG 2, CTCP Đầu Tư Việt Liên Á - Phú Hưng Gia là các đơn vị ghi nhận tình hình kinh doanh khả quan với lợi nhuận từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng.
Nổi bật là CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam - SSG (PV-SSG) ghi nhận lãi sau thuế năm 2019 tăng vọt lên 319 tỷ đồng, doanh thu trên 1.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp này mới chỉ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh từ năm 2018 trong khi trước đó không phát sinh nên nhiều khả năng do ghi nhận nguồn thu từ dự án Mỹ Đình Pearl.
Nói thêm về PV-SSG, đơn vị này là chủ đầu tư của dự án Mỹ Đình Pearl tại Hà Nội. Đây là dự án duy nhất ở phía Bắc và cũng đánh dấu tham vọng Bắc tiến của Tập đoàn SSG. Dự án dự kiến khởi công từ năm 2010 nhưng bị treo 6 năm và tới tận năm 2019 mới hoàn thành.
PV-SSG được thành lập để triển khai dự án Mỹ Đình Pearl từ năm 2010. Trong đó, Tập đoàn SSG nắm 49% cổ phần của PV-SSG, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (6%), Tổng công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (25%), Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí (10%), Ngân hàng TMCP Đại Dương (10%).
Việc Tập đoàn SSG không nắm quyền chi phối nên khi lãnh đạo của Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) và PVC rơi vào vòng lao lý khiến dự án bị đình trệ. Sau khi Ocean Bank và PVC lần lượt thoái vốn khỏi PV-SSG đồng thời Tập đoàn SSG đã nắm quyền chi phối với tỷ lệ 81,2% vốn PV-SSG tính tới đầu năm 2017.
Giữa tháng 6 vừa qua, Tập đoàn SSG đã tổ chức lễ khởi công xây dựng giai đoạn 2 của dự án Mỹ Đình Pearl với diện tích sàn xây dựng lên tới 91.761 m2.
Ngoài những công ty thành viên có kết quả kinh doanh khả quan ở trên thì SSG còn sở hữu loạt đơn vị khác như Công ty TNHH Dịch vụ Vietnam Land SSG, Công ty TNHH Địa ốc Sông Sài Gòn Thanh Đa, Công ty TNHH Bất động sản SSG Bình An, Công ty TNHH MTV Kinh doanh Bất động sản SSG 12 nhưng 3/4 đơn vị này chưa phát sinh doanh thu.
Trong đó, SSG Bình An và và Địa ốc Sông Sài Gòn Thanh Đa có qui mô vốn lớn, lần lượt là 260 tỷ và 100 tỷ đồng. Vietnam Land SSG phát sinh doanh thu năm 2019 nhưng chỉ ở mức 34 tỷ đồng và lãi sau thuế chưa tới 2 tỷ đồng.
Tham vọng đa ngành và bỏ ngỏ kế hoạch niêm yết
Bên cạnh lĩnh vực bất động, Tập đoàn SSG còn được biết tới là ông chủ của Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring với ba cấp học gồm hai cơ sở ở Hà Nội và TP HCM. Đây được gọi là trường “con nhà giàu" khi mức học phí trong khoảng từ 140 triệu - 395 triệu đồng/năm.
Trong đó, Trường Quốc tế Wellspring Hà Nội hoàn thành xây dựng vào quý II/2011 và khai giảng năm đầu tiên vào tháng 8 năm này. Trường có qui mô gần 4,4 ha ở giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 338 tỷ đồng. Cơ sở Sài Gòn có qui mô 2,5 ha, tổng mức đầu tư lên tới 400 tỷ đồng. Cả hai cơ sở đều đạt lợi nhuận cao trong hai năm 2017, 2018.
Không chỉ góp mặt ở lĩnh vực bất động sản, giáo dục, Tập đoàn SSG còn rót vốn vào mảng năng lượng tái tạo qua CTCP Đầu tư Sản xuất Năng lượng Xanh (thành lập năm 2013) nhằm nghiên cứu, sản xuất, khai thác nhiên liệu biomass từ trấu, mùn cưa, dăm bào, lõi ngô…
Trên website, công ty giới thiệu các dự án triển khai gồm: Dự án đốt rác phát điện, dự án khí hoá biomass phát điện, sản xuất bio-silica. Trong đó, công ty phát điện bằng khí hóa trấu đồng thời thu hồi tro trấu để sản xuất bio-silica (SiO2).
Công ty cho biết đã tham gia đấu thầu các dự án đốt rác phát điện cho TP Hà Nội và TP HCM với công suất từ 1.500 - 2.500 tấn/ngày.
Theo số liệu của người viết, kết quả kinh doanh của Công ty Năng lượng Xanh liên tục tăng trưởng giai đoạn 2017 - 2019. Doanh thu của công ty đạt trên 300 tỷ đồng từ năm 2016 và tới năm 2019 là 384 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 ghi nhận 106 tỷ đồng, gấp 3 lần so với con số năm 2017.
Trên website, tập đoàn còn thông tin trong tương lai sẽ triển khai việc nghiên cứu, khai thác các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng gió, năng lượng mặt trời... Qua đó, có thể thấy tham vọng lớn của Tập đoàn SSG trong lĩnh vực năng lượng.
Ngoài ba lĩnh vực chính trên, năm 2007, Tập đoàn SSG cũng từng hợp tác với CTCP Tập đoàn Hoà Phát thành lập CTCP Khai khoáng Hoà Phát - SSG vốn 30 tỷ đồng và Hoà Phát nắm 40% vốn. Công ty có hoạt động chính là khai thác khoáng sản tuy nhiên sau đó đã giải thể vào năm 2017.
Tham vọng ở mảng khai khoáng, tập đoàn cũng thành lập thêm một đơn vị là CTCP Khoáng sản SSG vào năm 2008, tuy nhiên thông tin về qui mô vốn, cơ cấu sở hữu không được công bố.
Công ty này đã từng được chấp thuận chủ trương về việc đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến sa khoáng titan tại khu vực Mũi Đá, tỷnh Bình Thuận với diện tích 162 ha và cũng được cấp phép khai thác vàng ở xã Phước Hiệp, tỷnh Quảng Nam với qui mô gần 30 ha và thời gian khai thác là trên 10 năm.
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2016, Tập đoàn SSG đã từng có ý định muốn niêm yết lên sàn chứng khoán sau khi được ĐHĐCĐ thông qua. Tuy nhiên tới tháng 4/2017, ĐHĐCĐ lại quyết định dừng hoạch này nhưng không nói rõ nguyên nhân.
Kể từ đó tới nay, qua nội dung họp ĐHĐCĐ thường niên các năm, phía tập đoàn cũng không hề đề cập tới việc niêm yết cổ phiếu.