Phương tiện giao thông bị tịch thu quá 30 ngày thì được đấu giá?
Chiều 12/12, tại Phiên giải trình về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp đặc thù liên quan đến loại phương tiện giá trị thấp, xuống cấp, không còn giá trị sử dụng.
Phương tiện giao thông bị thu giữ quá lâu dẫn đến hư hại, rỉ sét. Ảnh: Báo Giao thông.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: từ năm 2013 đến tháng 9 năm nay, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ 4.298 phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên thực tế hệ thống trang thiết bị, nhà tạm giữ phương tiện, kho bãi vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tạm giữ, bảo quản.
Hầu hết các đơn vị công an tại các địa phương đều tận dụng trụ sở cơ quan để thực hiện công tác bảo quản phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính hoặc sử dụng nơi tạm giữ chung của nhiều đơn vị, không có kho chứa chuyên dụng riêng biệt, nhiều trường hợp phải thuê kho, bãi làm nơi tạm giữ.
Việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải. Tại nhiều địa phương nơi tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện an toàn, dễ dẫn đến tình trạng cháy nổ.
Tại phiên giải trình, Ủy ban Tư pháp đề nghị làm rõ những bất cập của thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu như: xác minh chủ sở hữu phương tiện, giám định, thông báo niêm yết, tra cứu hồ sơ để xác định phương tiện đó có nằm trong cơ sở vật chứng hay không, định giá, ra quyết định tịch thu, lập phương án xử lý tài sản đối với từng phương tiện.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng, về nguyên tắc nếu xe vi phạm trái phép thì phải tịch thu. Đề nghị Luật Xử lý vi phạm hành chính nên phân cấp cho HĐND, UBND tỉnh và giám đốc công an được quyền xử lý vấn đề này.
Giải trình về nội dung này, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ tài Chính cho rằng: “Trước Luật tài sản công năm 2017 thẩm quyền xử lý tài sản tịch thu do chủ tịch tỉnh địa phương quyết hết.
Sau đó tiền thu được nộp vào ngân sách địa phương. Từ Luật Ngân sách 2015 với quy định thẩm quyền xử phạt Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, về mặt tài chính kết quả xử lý chia làm 2 nhánh. Một nhánh do ngân sách trung ương, một nhánh ngân sách địa phương cho nên phân cấp về thẩm quyền xử lý”.
Trong tổng số 137.000 phương tiện còn tồn đọng có 100.000 phương tiện còn sử dụng được, 37.000 phương tiện đã hư hỏng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương chỉ ra thực trạng việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Đồng thời nếu mức phạt quá cao thì chủ phương tiện bỏ xe.
Các ý kiến tại phiên giải trình đề nghị cần rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nếu không xử lý nhanh thì Nhà nước phải bỏ ngân sách ra để trả tiền lưu bãi.
Nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện vi phạm hành chính.
Đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định thì cần nhanh chóng trả lại cho người vi phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thành Tùng đề nghị: “Cần có những giải pháp đặc thù liên quan đến loại phương tiện giá trị thấp, xuống cấp, đã không còn giá trị sử dụng. Nếu phải tuân thủ quy trình như tài sản thông thường thì khi xử lý xong mất nhiều công sức, nhưng không hiệu quả.
Các loại tài sản lớn, càng giữ càng xuống cấp thì chi phí liên quan đến càng cao hơn. Đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an đề xuất phương án để khắc phục tình trạng hiện hữu. Bên cạnh giải pháp về sửa đổi pháp luật là để áp dụng về sau nhưng để khắc phục tình trạng phương tiện ùn ứ vẫn cần có giải pháp tổng thể”.