Phương thức dựng sổ sẵn sàng cho đấu giá cổ phần doanh nghiệp Nhà nước
Ngày 11/4, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 21 hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn Nhà nước theo phương thức dựng sổ (booking building). Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 3/6, tạo hành lang pháp lý để sớm đưa phương thức này áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Theo thông tư hướng dẫn, bước thăm dò nhu cầu mua của nhà đầu tư (NĐT) được thực hiện bởi tổ chức bảo lãnh phát hành thông qua việc tổ chức giới thiệu bán cổ phần (phải mời tối thiểu 30 nhà đầu tư), đồng thời phải có thông báo mời công chúng quan tâm đến tham dự đăng trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp tối thiểu 10 ngày trước ngày tổ chức giới thiệu về việc bán cổ phần.
Tổ chức quản lý sổ lệnh (Sở GDCK) sau đó mở sổ lệnh cho từng đối tượng NĐT trong 5 phiên giao dịch liên tiếp. NĐT có thể thay đổi lệnh đặt mua về giá, khối lượng cổ phần.
Giá bán cổ phần theo phương thức dựng sổ là một mức giá bán chung duy nhất được xác định tại mức giá mà tại đó phân phối được tối đa số lượng cổ phần dự kiến chào bán có tính đến nguyên tắc ưu tiên theo đối tượng NĐT công chúng hoặc NĐT chiến lược được doanh nghiệp công bố tại phương án bán cổ phần lần đầu theo phương án dựng sổ.
Việc xác định kết quả dựng sổ chỉ được thực hiện khi tỷ lệ khối lượng đặt mua cổ phần thực tế và số lượng nhà đầu tư đặt mua cổ phần thực tế lớn hơn hoặc bằng tỷ lệ khối lượng đặt mua cổ phần tối thiểu và số lượng nhà đầu tư đặt mua cổ phần tối thiểu theo phương án bán cổ phần. Trường hợp khối lượng cổ phần đặt mua thực tế và số lượng nhà đầu tư đặt mua thực tế không đáp ứng điều kiện dựng sổ theo phương án đã được phê duyệt, ban chỉ đạo cổ phần hóa/chủ sở hữu có trách nhiệm quyết định hủy kết quả sổ lệnh.
Tùy phương án được phê duyệt, Ban chỉ đạo cổ phần hóa/chủ sở hữu có thể xác định lại giá mở sổ và mở sổ lệnh lại hoặc thực hiện bán cổ phần theo phương thức khác. Điều này giúp việc bán cổ phần đạt được sát với số cổ phần mong muốn chào bán hơn, tránh trường hợp ngay cả khi chỉ bán được một phần rất nhỏ cũng phải thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu và đưa lên giao dịch trên sàn chứng khoán như bán đấu giá công khai thông thường hiện nay.
Trên thế giới, phương pháp dựng sổ được sử dụng phổ biến tại các nước phát triển vào những năm 90 của thế kỷ 20 sau đó được các nước có nền kinh tế chuyển đổi và các nước có nền kinh tế mới nổi triển khai từ những năm 2000.
Tại châu Âu, các nước Pháp, Ý, Hà Lan đã ngừng áp dụng phương thức đấu giá từ những năm 1990. Ở châu Á, châu Úc, hiện nay các nước Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore đều đã ngừng phương thức đấu giá và chuyển sang áp dụng phương thức dựng sổ để IPO.
Tại Việt Nam, IPO dù đã trải qua nhiều năm áp dụng vào thực tiễn nhưng đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức phát hành, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn, tổ chức trung gian...vẫn còn nhiều bất cập cần được khắc phục nhất là trong vấn đề định giá doanh nghiệp, xác định giá phát hành…
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (Ảnh: HNX)
Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Sở đã sẵn sàng triển khai phương thức dựng sổ. HNX cho biết đã bắt tay nhiên cứu mô hình này từ năm 2017, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và nâng cấp hệ thống đấu giá, cuối năm 2018 đã hoàn thành, bổ sung thêm tính năng dựng sổ.
Hệ thống của HNX hiện cho phép lập sổ lệnh riêng cho nhà đầu tư. Tốc độ xử lý của hệ thống từ 20 – 30 nghìn lệnh/ngày, có thể nhập lệnh từ xa từ đại lý nhận lệnh (CTCK) với tính bảo mật cao.
Hệ thống cũng cho phép cập nhật liên tục biểu đồ thống kê số lượng cổ phần đặt mua tại mỗi mức giá trong khoảng giá khảo sát, nhờ đó nhà đầu tư có thể tham khảo thống kê này trước khi đặt lệnh tại CTCK.
Đối với dữ liệu sổ lệnh, hệ thống có thể kết xuất các báo cáo thống kê số liệu theo một số tiêu chí mà bên bán quan tâm, hỗ trợ việc xác định giá phân phối. Hệ thống cũng cho phép xác định kết quả phân phối cho từng nhà đầu tư dựa trên các tiêu chí đã được quy định tại Thông tư 21, ưu tiên lần lượt về giá, thời gian đặt lệnh và khối lượng đặt mua, đồng thời kết xuất ra các báo cáo liên quan.