Phương án '3 tại chỗ' gây nhiều khó khăn, doanh nghiệp Khu CNC TP HCM kiến nghị cho người lao động đi làm từ nhà
Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao (SBA) vừa có văn bản kiến nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (BQL Khu CNC), Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TP HCM (HBA) về phương án thí điểm người lao động đi làm từ nhà.
Cụ thể, trong vòng 14 ngày, từ 16 đến 30/8, Công ty Intel Products Việt Nam và Công ty Datalogic Việt Nam sẽ triển khai cho người lao động có tay nghề cao và vị trí cốt cán trong quy trình sản xuất của nhà máy. Đây là những người lao động đã được tiêm vắc xin mũi 1.
Số lượng được phép thí điểm không quá 300 người, trước mắt sẽ bắt đầu bằng nhóm nhỏ từ người lao động thuộc nhóm thí điểm sẽ ký cam kết chỉ di chuyển giữa nhà và công ty, tuân thủ 5K cũng như các yêu cầu phòng dịch của địa phương khi ở nhà.
Người lao động đồng thời ký cam kết những người sống chung (nếu có) cũng không rời khỏi nơi cư trú trong suốt thời gian người lao động tham gia phương án đi làm từ nhà, và họ cũng sẽ được làm xét nghiệm tại nhà, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp chi trả.
Người lao động sẽ phải cài ứng dụng do Khu công nghệ cao chỉ định trong lúc đi – về hoặc một hình thức kiểm soát kỷ luật đi đường tương đương.
Doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch như bảo đảm có xe công ty đến đón/trả người lao động tại nhà hoặc các điểm đón gần nhà nhất; duy trì việc xét nghiệm hai lần trong 5 ngày đầu, sau đó là hai lần/7 ngày trong tuần tiếp theo; có khu vực làm việc riêng cho nhóm thí điểm này trong hai tuần đầu, sau đó mới làm việc chung với các nhóm còn lại.
Phương án thí điểm này vẫn được phép tiếp tục cho dù doanh nghiệp có phát hiện ca dương tính, với tỷ lệ phải thấp hơn 10% tổng số người lao động làm thí điểm.
"Ban chấp hành Chi hội SBA rất mong nhận được phản hồi từ BQL Khu công nghệ cao TP HCM cho chương trình thí điểm này, như là một giải pháp lâu dài để nhà nước - doanh nghiệp và người lao động cùng chung tay vượt qua đợt dịch khó khăn này", bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng SBA, bày tỏ.
Theo SBA, kể từ ngày 15/7 đến nay đã tổ chức triển khai phương án vừa lưu trú vừa sản xuất theo các phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm", toàn bộ kinh phí phát sinh đều do các doanh nghiệp đầu tư cho người lao động. Phần chi phí này là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới ngân sách và kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện, liên quan để sự thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán trong triển khai. Đơn cử như xe đưa rước nhân viên, xe cung cấp bữa ăn cho nhân viên bị giữ lại tại các chốt kiểm soát, gây chậm trễ không đáng có, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người lao động.
Thêm vào đó, hiện nay đang có những người lao động đang ở nhà có thể tham gia lực lượng sản xuất và các doanh nghiệp cũng rất cần những người lao động có tay nghề cao đến công ty để bổ sung vào lực lượng lao động, phần nào phục hồi quy mô sản xuất và góp phần duy trì chuỗi cung ứng.
"Quy định giãn cách nghiêm theo Chỉ thị 16 cần phải thay đổi bằng giải pháp đường dài, giảm áp lực cho doanh nghiệp và người lao động về ngân sách, sinh hoạt, tâm lý người dân giúp sớm ổn định xã hội theo mô hình bình thường mới", SBA nêu tại văn bản.