|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Phối hợp chống gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu

21:27 | 03/07/2020
Chia sẻ
Tổng cục Quản lý thị trường và Petrolimex vừa kí kết qui chế phối hợp về chống gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực xăng dầu.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, chiều tối 3/7, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã ký kết quy chế phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Phối hợp chống gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu - Ảnh 1.

Tổng cục Quản lý thị trường và Petrolimex vừa ký kết quy chế phối hợp. Ảnh: Uyên Hương

Tại Lễ ký kết, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy, từ đầu 2019 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 673/1.825 vụ việc liên quan đến mặt hàng xăng dầu; trong đó, tịch thu 32 cột đo xăng dầu,17 bộ chi tiết đo, 37 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của 19 cửa hàng xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 9 cửa hàng; tịch thu gần 85.850 lít xăng các loại...

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, các đối tượng thường lợi dụng thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu tăng để găm hàng, thu lợi bất chính; bán xăng dầu không rõ nguồn gốc; kinh doanh xăng dầu không có Giấy xác nhận đủ điều kiện...

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã triển khai nhiều kế hoạch tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên, hành vi vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Phối hợp chống gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu - Ảnh 2.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục Quản lí thị trường. Ảnh: Uyên Hương

Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, việc ký kết Quy chế phối hợp ngày hôm nay là điều kiện cần và đủ giúp Tổng cục Quản lý thị trường có những thông tin kịp thời về tình hình thị trường xăng dầu trong nước.

Cùng với đó, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thị trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, vì có nhiều ngành cùng tham gia quản lý mặt hàng xăng dầu nên Quy chế phối hợp giữa các bên nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý.

Mặt khác, quy định rõ trách nhiệm của từng ngành để tránh việc kiểm tra, xử lý bị chồng chéo, đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

Phối hợp chống gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu - Ảnh 3.

Ông Phạm Đức Thắng - Tổng Giám đốc Petrolimex. Ảnh: Uyên Hương

Ông Phạm Đức Thắng - Tổng Giám đốc Petrolimex khẳng định, thời gian qua, Tập đoàn cũng liên tục thành lập các đoàn đi thanh tra, kiểm tra những vấn đề liên quan đến mặt hàng xăng dầu.

Petrolimex có khoảng 2.560 cửa hàng kinh doanh, cùng với gần 15.000 cửa hàng xăng dầu của toàn xã hội; trong đó gần 4.000 cửa hàng nhượng quyền thương mại.

Tuy nhiên, do số lượng quá lớn nên cán bộ công nhân viên của đơn vị không thể kiểm soát, kiểm tra toàn diện được, nhất là trong vấn đề nhượng quyền thương mại.

Chính vì thế, việc ký kết Quy chế phối hợp với lực lượng quản lý thị trường  sẽ hỗ trợ Petrolimex trong quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu, nhất là trong điều kiện các cửa hàng xăng dầu Petrolimex lớn và phân bố rộng khắp toàn quốc.

Theo ông Phạm Đức Thắng, việc ký kết ngày hôm nay giữa hai đơn vị mang lại ý nghĩa to lớn, giúp lành mạnh hóa thị trường xăng dầu; quá trình kiểm tra, kiểm soát được hoàn thiện hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

Mặt khác, việc này còn giúp nâng cao nhận diện thương hiệu của Petrolimex với người tiêu dùng, nhất là gần đây vấn đề vi phạm trong lĩnh vực này nổi lên rất nhiều.

Do đó, ông Phạm Đức Thắng cam kết ngay sau khi Quy chế phối hợp thực thi, Petrolimex sẽ cùng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, triển khai chi tiết, chỉ đạo các đơn vị, Tổng Công ty để có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên và đánh giá thường xuyên hàng quý, 6 tháng và cả năm.

Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Quản lý thị trường và Petrolimex được triển khai dựa trên nguyên tắc, hai bên phải tuân thủ đúng quy định pháp luật; đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi bên.

Hơn nữa, tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mỗi bên nhằm nâng cao hiệu quả của quản lý thị trường trong lĩnh vực xăng dầu; đáp ứng yêu cầu của việc đấu tranh chống gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực xăng dầu.

Hình thức phối hợp của Quy chế thông qua gặp gỡ trực tiếp, qua các phương tiện thông tin liên lạc, gửi văn bản (hai bên thống nhất lập phụ lục danh sách các đầu mối thường trực phối hợp gồm: đơn vị, tên, địa chỉ, số điện thoại…) kèm theo quy chế này.

Cùng với đó, tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, đột xuất về các vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp; xây dựng, triển khai các kế hoạch cụ thể hàng năm và báo cáo định kỳ cũng như tổ chức sơ kết, tổng kết việc phối hợp theo quy chế này.

Uyên Hương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.