Phối hợp chặt chẽ với Hải quan Hoa Kỳ trong chống gian lận xuất xứ
Một trong những giải pháp quan trọng là Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với Hải quan Hoa Kỳ trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan nhằm trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến mặt hàng có rủi ro cao về gian lận xuất xứ.
Chủ động đấu tranh
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, năm 2020, công tác phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm trốn thuế, đánh lừa người tiêu dùng tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và cấp bách của ngành Hải quan.
Để triển khai nhiệm vụ, nhiều giải pháp đã được đặt ra để tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong năm nay.
Theo Trưởng phòng Giám quản 4 (Cục Giám sát quản lý về hải quan) Hoàng Thị Thủy, giải pháp xuyên suốt trong đấu tranh chống gian lận xuất xứ là tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh phòng ngừa gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp tại công văn số 5189/TCHQ-GSQL ngày 13/8/2019, Kế hoạch số 441/KH-TCHQ ngày 18/10/2019, Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ ngày 25/12/2019 một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan tiếp tục rà soát, xác định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, hàng hóa bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp đấu tranh, điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm theo hướng trọng tâm, trọng điểm.
Thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ để chống buôn lậu, gian lận xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp tại cục hải quan một số tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, cơ quan Hải quan sẽ thực hiện một số cuộc thanh tra mẫu tại trụ sở người khai hải quan đối với việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa để nhân rộng các cuộc kiểm tra.
Theo bà Hoàng Thị Thủy, trong công tác phối hợp, một trong những giải pháp quan trọng trong năm 2020 được đặt ra đó là, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với Hải quan Hoa Kỳ trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan nhằm trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến mặt hàng có rủi ro cao về gian lận xuất xứ.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính để có cơ sở thực hiện thống nhất.
Nhiều kết quả đã đạt được
Có thể thấy, năm 2019, trước diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, tình trạng lợi dụng để xuất nhập khẩu hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa gây thiệt hại cho người tiêu dùng có chiều hướng gia tăng về số lượng và hành vi, thủ đoạn gian lận.
Trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã tham mưu, đề xuất triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về hải quan đối với lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam.
Khối lượng lớn các nhiệm vụ đã hoàn thành từ việc tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.
Đặc biệt, cơ quan Hải quan đã tham mưu, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất biện pháp xử lý đối với vụ việc ASANZO; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt liên quan đến xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP, Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh lực hải quan, trong đó bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp…
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về quản lý xuất xứ hàng hóa; tham gia các phiên đàm phán Hiệp định thương mại tự do RCEP, EFTA, Việt Nam – Isarel, các cuộc hội thảo về xuất xứ hàng hóa; Tham gia các phiên họp định kỳ thực thi Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết và đang thực hiện; Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp trong 2 ngày 14-15/11/2019.
Kết quả thực hiện các giải pháp nêu trên, lực lượng hải quan trong toàn ngành đã thực hiện điều tra, xác minh, làm rõ đối với một số nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ như mặt hàng gỗ dán, gỗ ván sàn, xe đạp, xe đạp điện và linh liện, nồi cơm điện, đồ gia dụng, giày thể thao, quần áo,... và thực hiện xử lý các hành vi vi phạm đối với một số vụ việc cụ thể như đề nghị khởi tố đối với vụ việc gian lận xuất xứ tại Công ty TNHH Thịnh Hòa, Công ty Sa Huỳnh; xử lý vụ việc vi phạm đối với các công ty có hành vi vi phạm xuất xứ đối với mặt hàng xe đạp, xe đạp điện tại Công ty TNHH Excel...