|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phố Wall và Warren Buffett tưởng nhớ thời huy hoàng của M&A

16:04 | 27/07/2021
Chia sẻ
Cuộc bùng nổ M&A kéo dài gần 8 năm có thể sẽ bị chấm dứt bởi các quan chức quản lý không khoan nhượng trong chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Phố Wall và Warren Buffett tưởng nhớ thời huy hoàng của M&A - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Bloomberg).

Trong tháng 7, có đến hai thương vụ mua lại lớn bị hủy bỏ trong bối cảnh các cơ quan quản lý Mỹ có lập trường cứng rắn hơn đối với việc hợp nhất doanh nghiệp. Một trong hai thương vụ này có liên quan đến Warren Buffett

Các CEO sẽ phải nghĩ lại về ý định M&A sau khi chứng kiến hai công ty môi giới bảo hiểm khổng lồ Aon và Willis Towers Watson bỏ cuộc. Hôm 26/7, Aon và Willis Towers đã quyết định từ bỏ kế hoạch sáp nhập thay vì cố gắng theo đuổi vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm ngăn chặn thương vụ này.

Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng việc hợp nhất sẽ là hành vi hạn chế cạnh tranh và có hại tới những tổ chức dựa vào dịch vụ phúc lợi sức khỏe và hưu trí của hai công ty trên.

Hai tuần trước, tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett cũng hủy thương vụ mua một số tài sản đường ống dẫn khí từ Dominion Energy vì lo ngại phải vấp phải sự phản đối tương tự từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC).

Trong môi trường ngày càng bất lợi cho các cuộc M&A lớn như hiện nay, có lẽ rất nhiều thương vụ đã bị hủy bỏ từ trước cả khi đến tai công chúng.

Phố Wall và Warren Buffett tưởng nhớ thời huy hoàng của M&A - Ảnh 2.

Kể từ đầu năm 2014 đến nay, giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu đã lên đến 22.000 tỷ USD. Tốc độ điên cuồng này được thúc đẩy bởi môi trường quản lý lỏng lẻo và gần như không bị cản trở bởi đại dịch COVID-19. Trong đó bao gồm một danh sách dài các thương vụ có quy mô vượt quá 20 và 50 tỷ USD. 

Các nhà quản lý đã thường xuyên thất bại trong việc can thiệp và đôi khi gây hại cho luật chống độc quyền của Mỹ.

Hiện tại, các cơ quan quản lý như FTC và các nhà lập pháp đang đặc biệt nhắm vào những công ty công nghệ có vị thế thống trị như Amazon và Google nhằm khôi phục việc thực thi luật chống độc quyền. Lập trường mới này chắc chắn sẽ gây ra tác động lớn tới hàng loạt ngành khác.

Trong những năm trước đây, nhiều CEO chịu áp lực phải mua lại các đối thủ lớn nhất đã thấm nhuần tư tưởng không có thương vụ nào là quá lớn. Giờ đây họ có thể phải thay đổi suy nghĩ.

Các ngân hàng Phố Wall đã hái lộc lớn nhờ cuộc bùng nổ M&A kéo dài gần 8 năm có thể sẽ chứng kiến lợi nhuận héo mòn. Phí thực hiện các thương vụ vừa tạo ra mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021 bùng nổ cho các ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Morgan Stanley.

Nếu các CEO thực sự từ bỏ M&A thì lý do không hẳn là vì lo ngại chính phủ sẽ chặn được họ. Nhưng mối đe dọa từ quá trình pháp lý kéo dài và tốn kém có thể khiến CEO chùn bước trước một giao dịch tiềm ẩn rắc rổi.

Thực vậy, trong video gửi đến nhân viên ngày 26/7, CEO Greg Case của Aon cho biết quá trình kiện tụng lâu dài là một trong những lý do khiến ông bỏ ý định "về một nhà" với Willis Towers, Bloomberg đưa tin.

Nếu vụ kiện với chính phủ kéo dài hàng tháng hay hàng năm, doanh nghiệp có nguy cơ khiến cổ phiếu chịu biến động mạnh và đội ngũ quản lý bị cho là phân tâm khỏi việc kinh doanh.

Thương vụ thâu tóm Time Warner của AT&T mất đến 857 ngày. Và chẳng bao lâu sau khi hoàn tất, AT&T nhận ra họ chẳng còn thèm muốn công ty mình vừa mua về nữa.

Vẫn còn quá sớm để nói chắc rằng chính quyền Biden sẽ ảnh hưởng thực sự đáng kể đến các giao dịch M&A.

Trong trường hợp của Warren Buffett, Berkshire Hathaway vẫn tiếp tục mua các tài sản khác theo thỏa thuận ban đầu trị giá 9,7 tỷ USD với Dominion. Berkshire cho biết phần kế hoạch bị hủy chỉ chiếm 20% giá trị giao dịch ban đầu.

Tuy nhiên, tuyên bố của FTC về việc Berkshire phải thu hẹp quy mô thương vụ thể hiện quyết tâm lớn:

"Tuy kết quả đạt được đã bảo vệ cạnh tranh, nhưng thật đáng thất vọng khi FTC phải tiêu tốn nguồn lực đáng kể để xem xét giao dịch này trong khi trước đó chúng tôi đã đệ đơn kiện vào năm 1995 để ngăn chặn sự kết hợp tương tự… Cục Cạnh tranh sẽ tích cực tìm kiếm các lựa chọn về cách hạn chế loại đánh giá lại kiểu này để triển khai tốt hơn nguồn lực khan hiếm của Ủy ban".

Thông điệp của FTC: Hãy cẩn thận với ý muốn M&A. Và có vẻ các CEO đã chùn bước trước lời cảnh báo này.

Giang

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I tiếp tục ghi nhận sự xáo trộn lớn khi có đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.