|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phố Wall quay trở lại T+1 sau một thế kỷ, thị trường tài chính đối mặt với những thách thức gì?

14:14 | 28/05/2024
Chia sẻ
Lần đầu tiên sau 100 năm, các giao dịch chứng khoán tại Mỹ sẽ được thực hiện trong một ngày.

(Hình minh họa: The Street). 

Hồi hộp chờ đợi

Bắt đầu từ ngày 28/5/2024, chu kỳ thanh toán đối với các giao dịch chứng khoán tại Mỹ sẽ được rút ngắn một nửa xuống còn một ngày. Điều này đồng nghĩa với việc cuối cùng Phố Wall cũng lấy lại được tốc độ bằng 100 năm trước.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) quyết định triển khai “T+1” với mục đích giảm bớt rủi ro trong hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đi kèm với nhiều rắc rối tiềm ẩn, bao gồm khả năng các nhà đầu tư quốc tế gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tiền USD đúng hạn và những người tham gia thị trường có ít thời gian để điều chỉnh giao dịch hơn.

Mọi người đều hy vọng rằng “T+1” sẽ đi vào hoạt động một cách suôn sẻ, nhưng ngay cả SEC tuần trước cũng cảnh báo quá trình chuyển đổi có khả năng dẫn đến “sự gia tăng ngắn hạn của các trường hợp thanh toán không thành công và thách thức đối với một bộ phận nhỏ người tham gia thị trường”.

Hiệp hội Chứng khoán và Thị trường Tài chính (Sifma) đã khởi xướng Trung tâm Chỉ huy T+1 để xác định các vấn đề và điều phối phản ứng. Sifma là tổ chức quyền lực diện cho các công ty thuộc mọi quy mô trên tất cả các thị trường tài chính ở Mỹ và trên toàn cầu.

Các công ty tài chính đã chuẩn bị cho sự thay đổi trong suốt nhiều tháng, luân chuyển nhân viên, điều chỉnh ca làm việc và cải tiến quy trình làm việc. Nhiều công ty cho biết họ tự tin vào sự sắp xếp của mình. Điều họ lo là các đối tác và trung gian khác có sẵn sàng hay không.

Ông Tom Price, Giám đốc điều hành kiêm người đứng đầu bộ phận công nghệ, vận hành và hoạt động liên tục của Sifma, chỉ ra: “Các công ty trong ngành tài chính có nhiều việc phải phụ thuộc lẫn nhau và một số công ty đơn lẻ có thể vấp phải khó khăn”.

 

Đầy thử thách

Đây không phải lần đầu tiên Phố Wall thay đổi chu kỳ thanh toán, nhưng các chuyên gia tài chính nói với Bloomberg rằng lần điều chỉnh này là khó khăn nhất.

Mỹ chấm dứt hệ thống “T+1” vì tính chất thủ công của các giao dịch khiến người ta gần như không thể xử lý kịp giao dịch, đặc biệt là khi trong thập niên 1920, hoạt động mua bán cổ phiếu tăng vọt. Dần dần, thời hạn thực hiện giao dịch được kéo dài đến 5 ngày.

Sau vụ sụp đổ Thứ Hai Đen tối vào năm 1987, con số đó giảm xuống còn ba ngày. Năm 2017, Mỹ áp dụng “T+2” để phản ánh mức độ phát triển và hiện đại của thị trường.

Tuy nhiên, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống “T+1” vẫn có sự khác biệt lớn so với trước kia bởi quy mô khổng lồ của thị trường ngày nay, sự phức tạp của hoạt động đầu tư xuyên biên giới và sự thật là nhiều thị trường khác chưa bắt kịp Mỹ.  

Đáng chú ý nhất, các giao dịch tiền tệ theo truyền thống thường được giải quyết trong hai ngày. Từ giờ, nhà đầu tư quốc tế muốn tài trợ cho các giao dịch chứng khoán Mỹ sẽ cần huy động nguồn USD nhanh hơn nhiều so với trước đây.

Và bất chấp khung thời gian danh nghĩa là một ngày, trên thực tế nhiều người sẽ chỉ có vài giờ để đáp ứng đủ số USD cần thiết. Khoảng thời gian đó lại trùng với lúc thanh khoản trong ngày xuống thấp. 

Ông Michael Wynn, quản lý cấp cao tại bộ phận dịch vụ chứng khoán của Citigroup, bình luận: “Rất có thể sẽ có sự điều chỉnh về yêu cầu thanh khoản vào cuối ngày giao dịch ngoại hối và ngay sau đó - tức là từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối theo giờ New York. Trong trung và dài hạn, chúng tôi kỳ vọng thanh khoản sẽ được cải thiện khi hoạt động kinh doanh trở lại bình thường”.

Trước mắt, hệ thống “T+1” đối mặt với hai bài kiểm tra lớn. Đầu tiên, 29/5 là ngày “thanh toán kép”, bởi các giao dịch “T+2” từ phiên 24/5 sẽ đến hạn cùng lúc với các giao dịch “T+1” của ngày 28/5.

Tiếp đến, MSCI sẽ tái cân bằng các chỉ số của họ vào cuối tuần này, tức là đánh giá diễn biến và vốn hóa thị trường của những cổ phiếu cấu thành để xác định sự thay đổi cần thiết. Khi đó, các quỹ đầu tư trên toàn thế giới mô phỏng chỉ số của MSCI sẽ đồng loạt tái cơ cấu danh mục nắm giữ.

Giang

Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump sẽ tác động ra sao đến dòng vốn FDI toàn cầu?
Theo ông Hồ Quốc Tuấn, sang đến "Trump version 2", rất có thể ASEAN không phải là mục tiêu của ông Trump trong năm 2025 mà Ấn Độ mới là điểm sáng đầu tư. Việt Nam có thể chỉ được hưởng lợi từ cuối năm 2025 trở đi.