|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phố Wall đang đánh giá quá thấp cuộc phục hồi kinh tế Mỹ?

09:07 | 04/08/2021
Chia sẻ
Mỹ có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm tiếp theo nhờ vào các xu hướng mới mà đại dịch COVID-19 tạo ra.
Phố Wall đang đánh giá quá thấp cuộc phục hồi kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Đại dịch đã mở ra những con đường mới để tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Bloomberg)

Mỹ vẫn chưa thoát khỏi hố sâu thất nghiệp khi tổng số việc làm tháng 6/2021 vẫn thấp hơn 6,7 triệu so với tháng 2/2020.

Tuy nhiên, số liệu việc làm đang cường điệu hóa điểm yếu của nền kinh tế, khi mà báo cáo GDP quý II vừa cho thấy sản lượng của Mỹ đã quay lại mức cao nhất mọi thời đại. Báo cáo thu nhập cá nhân tuần trước cũng cho thấy thu nhập của người lao động đang ở mức kỷ lục.

Sự khác biệt trên cho thấy khi Mỹ quay trở lại trạng thái toàn dụng lao động, sản lượng kinh tế và thu nhập người lao động sẽ còn lên cao hơn, mở đường để Mỹ tăng trưởng trong những năm tiếp theo với tốc độ nhanh hơn thập niên 2010.

Cách tốt nhất để giải thích nhận định trên dưới dạng số liệu là nhìn vào thay đổi của GDP thực, việc làm và lương bổng dành cho người lao động giữa tháng 12/2019 và tháng 6/2021.

GDP thực đi lên 0,8%. Việc làm giảm 4,1%. Lương bổng của người lao động tăng 6,7%.

Việc làm và lương bổng không phải hai dữ liệu có thể so sánh trực tiếp – chỉ số CPI đã tăng 4,9% trong khoảng thời gian này, do đó "tiền lương và tiền công thực tế" tăng chưa đến 2%. Tuy nhiên, những con số này vẫn cho thấy rằng sản lượng và lương bổng thực đã leo lên tầm cao mới còn việc làm thì vẫn cách xa đỉnh.

Có một vài lý do giải thích tình trạng trên. Thứ nhất là rất nhiều việc làm bị xóa sổ trong đại dịch và chưa phục hồi thuộc về những ngành trả lương thấp như giải trí và khách sạn. Do đó, mất mát của những công việc này có tác động lớn đến số lượng việc làm hơn là tiền lương và GDP.

Thứ hai là trong vài tháng qua, chủ lao động đã phải tăng lương để thu hút nhân công. Do vậy lương đang tăng nhanh hơn việc làm. Trong ba tháng gần đây, tiền lương và tiền công tăng 2,3% trong khi việc làm chỉ nhích thêm 1,2%.

Yếu tố thứ ba là tăng trưởng năng suất mạnh mẽ - đặc điểm thường thấy khi kinh tế thoát khỏi suy thoái, vì doanh nghiệp trở nên hiệu quả hơn trong những giai đoạn kinh tế xuống dốc.

Tóm lại là hiện tại kinh tế Mỹ đã hoàn thành cuộc phục hồi dựa trên cơ sở sản lượng nhưng vẫn còn ở trong hố sâu việc làm. Đây là tin tốt miễn là Mỹ có thể khôi phục toàn dụng lao động.

Phố Wall dè dặt

Hiện nay các ông lớn Phố Wall như Goldman Sachs đang dự báo tăng trưởng GDP thực sẽ giảm xuống còn 1,5 đến 2% vào nửa cuối năm 2022. Goldman Sachs tin rằng kinh tế giảm tốc là xu hướng và phản ánh các yếu tố cơ bản dài hạn của nền kinh tế.

Ước tính của Goldman Sachs có vẻ như là dự báo cực kỳ thận trọng dựa trên GDP nhiều hơn là việc làm. Thiếu hụt 4,1% việc làm so với 2020 thực chất có thể lên đến 6% khi tính cả những công việc có thể đã được tạo ra thêm nếu đại dịch không xuất hiện.

Và rất có thể tốc độ tăng năng suất sẽ đi lên nhờ doanh nghiệp đầu tư vào tự động hóa để phản ứng với chi phí lương lên cao, và các công ty cổ cồn trắng tự tái cấu trúc để phù hợp với xu hướng làm việc tại nhà.

Để đánh giá mức tăng trưởng sản lượng tiềm năng mà không có những hạn chế về mặt lý thuyết đối với nền kinh tế, hãy tưởng tượng phải mất 18 tháng nữa để đưa việc làm trở lại xu hướng trước đại dịch. Điều này đồng nghĩa với giả định rằng đến cuối năm 2022, Mỹ sẽ lấp đầy lỗ hổng 6% và tăng thêm 2% việc làm nữa.

Sau đó, hãy tưởng tượng tăng trưởng năng suất trung bình đạt 2% trong 18 tháng tới, giúp sản lượng gia tăng 3%.

Điều đó có nghĩa là tăng trưởng GDP thực vào khoảng 11% vào cuối năm 2022, hoặc tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 7% được duy trì ít nhất đến cuối năm sau.

Tất nhiên, không ai nên coi tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 7% là kịch bản cơ sở cho nền kinh tế. Các vấn đề về chuỗi cung ứng đã kìm hãm tăng trưởng trong vài tháng qua, nên dù tất cả nhân công quay lại làm việc thì kinh tế vẫn có thể bị bó buộc bởi các hạn chế khác.

Nhưng nếu coi toàn dụng lao động là thước đo phục hồi tốt hơn mô hình tập trung vào GDP, sản lượng tiềm năng có thể cao hơn nhiều so với dự báo của Phố Wall.

Nền kinh tế số một thế giới có thể duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh trong nhiều năm tiếp theo, nhờ đại dịch mở ra những xu hướng chưa từng có trước đó. 

Giang