Phó Thủ tướng yêu cầu làm sạch dữ liệu người giao dịch chứng khoán trong tháng 11
Ngày 23/9, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 7323/VPCP-KSTT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang về việc triển khai Đề án Phát triển Ứng dụng Dữ liệu về Dân cư, Định danh và Xác thực Điện tử phục vụ việc Chuyển đổi Số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Liên quan đến thị trường chứng khoán (TTCK), phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thực hiện rà soát, xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin về người tham gia giao dịch chứng khoán (trong đó có thông tin người thân tham gia giao dịch chứng khoán). Nội dung này cần thực hiện và báo cáo kết quả đến trước ngày 30/11.
Làm sạch dữ liệu người dùng là đối chiếu thông tin của họ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo.
Chỉ đạo trên đưa ra sau khi thị trường các năm gần đây ghi nhận nhiều trường hợp thao túng giá cổ phiếu nghiêm trọng như ông Trịnh Văn Quyết (cổ phiếu FLC, bắt tạm giam vào tháng 3/2022), ông Đỗ Thành Nhân (nhóm cổ phiếu họ Louis, bị tuyên án 5 năm 6 tháng tù), vợ chồng ông Nguyễn Đỗ Lăng và ba người khác (nhóm cổ phiếu họ Apec, bắt tạm giam vào tháng 6/2023).
Trong những tháng đầu năm nay, thị trường vẫn tiếp tục có nhiều trường hợp thao túng giá cổ phiếu khác (bị xử phạt hành chính và/hoặc xử phạt bổ sung khác (nếu có)), như ông Đoàn Bá Hồng tại cổ phiếu C69 (xử phạt 550 triệu đồng) , bà Lê Thị Hải Bình tại cổ phiếu APG (phạt 1,5 tỷ đồng, cấm giao dịch chứng khoán 2 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, quỹ 2 năm) , ông Trần Việt Thắng tại cổ phiếu FRM và ABR (phạt 575 triệu đồng, nạp lại 87 triệu đồng thu lợi bất hợp pháp).
Trước đó, Bộ Tài chính từng đưa ra định hướng số lượng nhà đầu tư trên TTCK đạt 8% dân số vào 2025 và 10% dân số vào 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo dữ liệu của VSDC, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước ghi nhận tăng nhanh trong 4 tháng gần đây, đều đạt trên 100.000 đơn vị mỗi tháng. Chỉ tiêu này tính đến thời điểm cuối tháng 8 đạt 7,59 triệu đơn vị, tức đã xấp xỉ 7,6% dân số. Đối tượng tham gia đầu tư ngày càng có xu hướng đa dạng về ngành nghề, tuổi tác.