|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: ‘Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài kinh tế xanh’

06:30 | 11/04/2024
Chia sẻ
Theo Phó Thủ tướng, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững, vấn đề gặp phải của Việt Nam là sự thay đổi từ tư duy sang hành động cụ thể để tạo tác động lan toả… còn nhiều hạn chế.

Chiều 10/4 đã diễn ra Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4 với chủ đề "Tiến trình Việt Nam phát triển kinh tế xanh và bền vững - Từ chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp".

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hiện tượng nóng lên của trái đất, đại dịch Covid-19… đó là những vấn đề toàn cầu đã, đang và sẽ đặt ra cho toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam là nước sẽ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, ngay từ đầu Chính phủ đã đặt mục tiêu chuyển đổi tăng trưởng nền kinh tế từ chiều rộng, sang chiều sâu; từ tăng trưởng dựa vào lợi thế tự nhiên, lao động giá rẻ sang tăng trưởng dựa vào giá trị gia tăng, bền vững và xanh hóa là mục tiêu hàng đầu, tối thượng của đất nước.

"Đây là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của các quốc gia và là xu thế của thế giới tiến bộ", ông nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Nguồn: Vneconomy)

Theo Phó Thủ tướng, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững, vấn đề gặp phải của Việt Nam là nhu cầu về tài chính, công nghệ rất lớn cho sự thay đổi, chuyển dịch này. Bên cạnh đó, sự thay đổi từ tư duy sang hành động cụ thể từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, của toàn xã hội cần sớm và nhanh để tạo tác động lan toả… còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, đây là việc làm "không thể không làm, không thể không chuyển đổi… Vì đây là xu hướng của thế giới, của tương lai và của dân tộc tiến lên".

"Thời đại mới, với Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và những thay đổi chóng vánh của xu hướng toàn cầu hoá… các ưu thế về nguồn lực đất đai, lao động giá rẻ đang dần thay thế bằng lợi thế của đất nước có giá trị gia tăng, của một nền kinh tế tăng trưởng xanh và bền vững", Phó Thủ tướng cho hay.

Do đó, Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh, bền vững, trong đó có cam kết năm 2050 giảm phát thải về 0%. Đồng thời, Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, cùng đồng hành và kết nối với Chính phủ, với các địa phương của Việt Nam cùng chung ta xây dựng một chu kỳ tăng trưởng xanh, bền vững cho sự phát triển.

Về phía địa phương, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho rằng qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thành phố Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố đạt 10,34%, duy trì 9 liên tiếp giữ mức tăng trưởng hai con số.

Quý I, Hải Phòng đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng GRDP (9,32%, gấp 1,6 lần mức tăng bình quân chung cả nước); so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng. (Nguồn: Vneconomy) 

Tuy vậy, trong bối cảnh thế giới đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, trong đó có Hải Phòng.

Vì vậy, ông Lê Tiến Châu đề xuất ba vấn đề chính. Thứ nhất, tại Việt Nam, Chính phủ đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại COP26, trong đó đối tượng đóng vai trò đầu tàu và thúc đẩy mạnh mẽ cam kết phát thải ròng bằng 0, hay phát triển xanh chính là các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp phải thể hiện tinh thần tiên phong, đi đầu để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững.

“Trên cơ sở đó, Chính phủ và các địa phương cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện và cách tiếp cận phù hợp, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, bằng cách trước mắt cho phép thí điểm các mô hình kinh tế mới, theo hướng xanh, bền vững", ông Châu nêu rõ.

Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện đặc thù và năng lực khác nhau của các địa phương (chẳng hạn địa phương có thế mạnh về nông nghiệp sẽ cần có những yêu cầu và lộ trình khác địa phương đã có nền tảng phát triển công nghiệp). Do đó, các địa phương trên cả nước cần nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích vì mục tiêu chung của Chính phủ.

Thứ ba, hưởng ứng định hướng chiến lược của Chính phủ về phát triển xanh, bền vững, Hải Phòng đang khẩn trương, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch “xanh”.

Ngọc Bảo