|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT xem xét đề nghị chuyển đường sắt ra ngoài khu vực trung tâm của Phú Thọ

14:41 | 14/02/2019
Chia sẻ
Về việc chuyển tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ ra ngoài khu vực trung tâm của thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT xem xét đề nghị của tỉnh trong quá trình cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai và xây mới tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, về việc chuyển tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ ra ngoài khu vực trung tâm của thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ, giao Bộ GTVT xem xét đề nghị của tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai (Yên Viên – Lào Cai) và xây mới tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Đề xuất chuyển tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ ra ngoài khu vực trung tâm của thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ đã được đưa ra cách đây hàng chục năm. Nguyên nhân bởi tuyến đường sắt này giao cắt với đường bộ trong thành phố ở nhiều điểm, gây nên tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm do phải chặn toàn bộ xe cộ, khách bộ hành... để tàu qua.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cao được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, dài gần 300 km, nối Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc, sang Tây Nam Trung Quốc, đi qua 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai); có 7 ga chính, 27 ga xép. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hơn 80 km đường sắt với 8 ga, trong đó thành phố Việt Trì có 2 ga với chiều dài hơn 12 km đường sắt.

tiep tuc cau chuyen chuyen duong sat ra ngoai khu vuc trung tam cua phu tho
Việc chuyển tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ ra ngoài khu vực trung tâm của thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ là câu chuyện đã được đề cập hàng chục năm nay. (Ảnh minh họa)

Dự án tuyến Quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì (từ km11+585 – km21+100) cũng phải được rà soát lại để đề xuất hoàn thiện đầu tư theo quy định. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì xem xét bố trí từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để giải quyết, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

Nhìn chung, tỉnh cần rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, các công trình trọng điểm… Huy động các nguồn vốn xã hội hóa, đẩy mạnh phát triển đô thị gắn với khu công nghiệp và đô thị nhà ở.

Phú Thọ cũng phải tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế ngành, lĩnh vực, sản phẩm; tập trung sản phẩm chủ lực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững lấy công nghiệp làm nền tảng để thúc đẩy phát triển sản xuất.

Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ giá trị gia tăng cao và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ; đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động giản đơn. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới hoạt động các tổ chức liên quan đến kêu gọi đầu tư, ban quản lý khu công nghiệp; cải cách hành chính đặc biệt là thủ tục hành chính.

tiep tuc cau chuyen chuyen duong sat ra ngoai khu vuc trung tam cua phu tho
Phó Thủ tướng yêu cầu Phú Thọ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao... (Ảnh minh họa)

Đồng thời, tỉnh cần rà soát, điều chỉnh bổ sung lập mới các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đô thị, điện, hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch…; chuẩn bị lập quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch trên cơ sở lập kế hoạch thực hiện quy hoạch từ đó, xác định các dự án ưu tiên để chuẩn bị đầu tư và xây dựng kế hoạch đầu tư 2021 – 2025; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật quy hoạch.

Năm 2018, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch (12/12). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 40,8 triệu đồng; giá trị xuất khẩu đạt 1,33 tỉ USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.400 tỉ đồng…

Xem thêm

N. Lê