|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế

21:21 | 23/01/2023
Chia sẻ
Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô giúp niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân vào môi trường và triển vọng kinh tế trung hạn tiếp tục được giữ vững.

Bước sang năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đã trao đổi với báo chí xung quanh các vấn đề trên.

Phóng viên: Năm 2022, nền kinh tế có nhiều khó khăn, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ được các ngân hàng trung ương trên thế giới thúc đẩy mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ như thế nào, thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Năm 2022 là năm đầu nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Xung đột Nga-Ukraine leo thang, giá hàng hóa, lạm phát tăng cao nhất trong 40 năm trở lại đây tại các nền kinh tế phát triển, hơn 80 quốc gia đối mặt với lạm phát hai con số. Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ khởi động từ năm 2021 được các ngân hàng trung ương thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2022. Mức độ và tần suất tăng lãi suất được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực thi nhanh nhất trong lịch sử với 7 lần điều chỉnh tăng liên tục trong năm 2022 từ 0-0,25%/năm lên 4,25-4,5%/năm. 

Trước xu hướng thu hẹp Bảng cân đối, đồng thời tăng nhanh, mạnh lãi suất của Fed, đồng USD có xu hướng dịch chuyển mạnh từ các thị trường mới nổi (bao gồm Việt Nam) quay trở lại Mỹ, làm đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường toàn cầu. Chỉ số USD quốc tế (DXY) có thời điểm lên trên 115, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021 – là mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây. Do đó, nhiều ngân hàng trung ương tại cả nước phát triển và đang phát triển đã phải tăng mạnh lãi suất và bán ngoại tệ can thiệp thị trường để bảo vệ giá trị đồng bản tệ, kiểm soát lạm phát.

Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn, biến động về giá cả, lạm phát, lãi suất, tỷ giá trong nước và diễn biến bất trắc từ thị trường quốc tế đặt ra thách thức rất lớn cho điều hành chính sách tiền tệ. Trong khi đó, nhu cầu về vốn phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch gia tăng áp lực lên tín dụng ngân hàng, trong bối cảnh thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn trung dài hạn của nền kinh tế.

Lạm phát nhập khẩu làm tăng chi phí sản xuất, gây sức ép lên lạm phát trong nước; do đó mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 được kiểm soát dưới 4%, nhưng lạm phát cơ bản tăng nhanh, đột biến từ 0,66% tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021 lên trên 5% vào tháng 12/2022, cho thấy thách thức rất lớn trong kiểm soát lạm phát năm 2023.

Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ phải cân đối giữa các nhiệm vụ, mục tiêu đan xen, thậm chí có thời điểm mâu thuẫn nhau trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, duy trì niềm tin của nhà đầu tư và người dân, nâng cao tính linh hoạt, tạo dư địa chính sách để tăng khả năng hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài.

Trước những biến động nhanh, khó lường của thị trường trong nước và quốc tế, bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường.

Theo đó, các công cụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ được phối hợp đồng bộ, chủ động, linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt trong các thời điểm thanh khoản căng thẳng; qua đó đã giảm thiểu các cú sốc tiêu cực tác động lên lãi suất, tỷ giá; đảm bảo cung ứng vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế; thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát; đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Với các giải pháp chính sách tiền tệ được triển khai đồng bộ, năm 2022 ngành ngân hàng đã đóng góp tích cực vào các thành quả nổi bật của nền kinh tế. Lạm phát năm 2022 được kiểm soát theo mục tiêu đề ra; trong đó, lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2022 là 3,15%, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Những áp lực lớn trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước được hóa giải, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân vào môi trường và triển vọng kinh tế trung hạn tiếp tục được giữ vững.

Phóng viên: Vậy để thực hiện được cả 2 mục tiêu vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp gì thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách vì phải hướng đến các mục tiêu có tính xung đột trong một số thời điểm. Vì thế, điều hành đòi hỏi phải theo sát diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phân tích, dự báo để phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn các công cụ phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát bình quân ở mức thấp (2,73%), hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, VND mất giá ở mức thấp (4,8%) so với đồng tiền của nhiều nước (từ 6%-33%), mặt bằng lãi suất VND tăng nhẹ (khoảng 0,3-0,4%) trong khi lãi suất tại nhiều nước tăng mạnh. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi trả của doanh nghiệp, người dân.

Trong tháng 10/2022, thị trường tiền tệ, ngoại hối chịu áp lực trước xu hướng tỷ giá tăng kịch trần, thanh khoản thị trường kém, tâm lý găm giữ ngoại tệ gia tăng. Để giải tỏa áp lực thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện đồng thời các giải pháp cấp bách như tăng biên độ giao dịch của tỷ giá và cho phép VND biến động linh hoạt hơn như đề cập ở trên; sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp; tăng 1% các mức lãi suất điều hành; hỗ trợ thanh khoản và đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đối với điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% và điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tiễn. Do kinh tế phục hồi sau đại dịch, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nên tín dụng ngân hàng tăng cao, 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng 17% so với cùng kỳ 2021 – là mức tăng cao so với nhiều năm trở lại đây.

Sau tháng 11, khi thị trường tiền tệ, ngoại hối đã bớt áp lực, thanh khoản cải thiện, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,5-2% cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, khả năng cân đối vốn để cấp tín dụng, giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng cho nhà ở xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Như vậy, điều hành chính sách tiền tệ đã bám sát diễn biến thị trường trong từng thời điểm, đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp tùy thuộc vào bối cảnh tình hình, qua đó đã hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tích cực, đồng thời đảm bảo để kiểm soát lạm phát tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra.

Phóng viên: Thưa Phó Thống đốc, năm 2023 Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ như thế nào?

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Trong thời gian tới, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo).

Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. Do đó, không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023.

Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế thì cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này.

Phóng viên: Xin cảm ơn Phó Thống đốc!
 

Thùy Dương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.