|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phó Chủ tịch UBND: ‘Vướng gần 12 km, TP HCM xin ứng ngân sách để giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2’

10:29 | 10/05/2019
Chia sẻ
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, hiện có 11,7 km ở tuyến đường Vành đai 2 mà thành phố chưa kết nối được. Thành phố đã kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng cho phép thành phố ứng ngân sách để làm trước công tác GPMB.

Nếu không tách GPMB dự án đường Vành đai 2 thực hiện riêng thì có thể kéo dài thêm đến 5 năm nữa

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP HCM năm 2019, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề giao thông, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố đang và sẽ cố gắng triển khai sớm nhất tuyến đường Vành đai 2.

Phó Chủ tịch UBND: ‘Vướng gần 12 km, TP HCM xin ứng ngân sách để giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2’ - Ảnh 1.

Tuyến đường Vành đai 2 đang còn 11,7 km chưa kết nối được, TP HCM kiến nghị ứng ngân sách để làm trước công tác GPMB. (Ảnh: Hiếu Quân)

"Hiện có 11,7 km ở tuyến đường Vành đai 2 mà thành phố chưa kết nối được. Thành phố đã kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng cho phép thành phố ứng ngân sách để làm trước công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chứ chờ triển khai chung toàn dự án thì rất khó. Vấn đề này sẽ liên quan đến Thường vụ Quốc hội, vì những dự án muốn tách các thành phần thực hiện ra thì phải có ý kiến của Thường vụ Quốc hội. Hiện mới chỉ có dự án sân bay Long Thành là được tách phần GPMB thành dự án riêng", ông Trần Vĩnh Tuyến nói.

Theo ông, tuyến đường Vành đai 2 mà không được tách phần GPMB ra thực hiện riêng thì sẽ rất khó vì kéo dài, thậm chí có thể mất thêm 1 - 2 năm, cộng thời gian bồi thường nữa sẽ mất thêm 2 – 3 năm nữa.

Còn dự án đường Vành đai 3, thành phố cũng đã xin phép Thủ tướng cho thành phố ứng 3.000 tỉ đồng để triển khai nhanh. Các dự án quan trọng khác như cầu Cát Lái kết nối quận 2 với Đồng Nai, cao tốc TP HCM – Mộc Bài… sẽ được bàn thêm trong phiên họp phát triển Vùng kinh tế TP HCM tới đây (dự kiến tổ chức vào ngày 16/5 này, do Thủ tướng chủ trì). Phiên họp sẽ tập trung giải quyết vấn đề giao thông (cầu, đường) để thông suốt giao thông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Lãnh đạo TP HCM chia sẻ: "Quan điểm của thành phố là công khai, minh bạch. Các dự án phải triển khai đấu thầu để minh bạch, không để nhà đầu tư phải liên lạc gặp người này người kia để hỏi. Thành phố dự kiến sẽ công khai thông tin từng dự án trên app từ lúc xin chủ trương đầu tư, giới thiệu dự án, đến tiến độ xây dựng… để doanh nghiệp có thể mua bán, chuyển nhượng, hoặc người dân đi mua dự án biết chủ đầu tư là ai, tiến độ như thế nào. Tránh tình trạng nhiều dự án hiện nay mới làm thủ tục, mới được cho nghiên cứu, chưa triển khai nhưng đã nhận tiền của người dân, dẫn đến tranh chấp, khiếu nại. Sở Xây dựng được giao phải làm xong app này ngay trong tháng 5".

TP HCM đang xây dựng cơ chế mới để rút ngắn thời gian GPMB từ 420 ngày xuống còn 100 ngày

Liên quan đến công tác bồi thường đất trong các dự án, theo quy định, quận, huyện sẽ đứng ra GPMB, nguồn vốn do doanh nghiệp bỏ ra, sau đó được khấu trừ vào tiền sử dụng đất.

Ông Tuyến lấy ví dụ: "Nếu tiền sử dụng đất công ty phải đóng cho Nhà nước là 1.000 tỉ đồng, thì doanh nghiệp sẽ được trừ phần bồi thường đất cho người dân theo quy định. Phần nào nhà đầu tư bỏ thêm để hỗ trợ người dân thì sẽ không được khấu trừ bởi phần này là do nhà đầu tư tự nguyện hỗ trợ thêm để đẩy nhanh tiến độ GPMB".

Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP, TP HCM đang trình Thủ tướng một quy trình mới về bồi thường GPMB để đẩy nhanh tiến độ công tác này. Nếu Chính phủ ra Nghị quyết về quy trình này thì sẽ rút ngắn được thời gian GPMB từ 420 ngày xuống còn 100 ngày (tức là rút ngắn được khoảng 2/3 thời gian).

"Đây là vấn đề được các nhà đầu tư rất quan tâm. Khi nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài đầu tư vào thành phố thường rất quan tâm đến thời gian nhà nước thu hồi và bàn giao đất là bao nhiêu ngày. Vì thời gian xây lắp, triển khai dự án không lâu, chủ yếu là thời gian GPMB", ông Tuyến nhấn mạnh.

Hiếu Quân