|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo, Việt Nam được hưởng lợi

17:50 | 05/06/2024
Chia sẻ
Các nhà phân tích cho rằng động thái này có thể mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất nước ngoài như Việt Nam và khiến nông dân Philippines gặp khó khăn trong việc cạnh tranh.

 

Theo Nikkei Asia, Philippines, nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới, đang tiến hành cắt giảm thuế nhập khẩu đối với lương thực thiết yếu từ 35% xuống 15% cho đến năm 2028 để giảm bớt khủng hoảng lạm phát trong nước. 

Các nhà phân tích cho rằng động thái này có thể mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất nước ngoài như Việt Nam và khiến nông dân Philippines gặp khó khăn trong việc cạnh tranh.

Ông Arsenio Balisacan, người đứng đầu Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia, cho biết quyết định này được công bố hôm thứ Ba (4/6), sau cuộc họp của một hội đồng liên cơ quan do Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đứng đầu. Động thái này sẽ hạ giá gạo để "làm cho giá gạo trở nên phải chăng hơn". 

Gạo chiếm 9% chỉ số giá tiêu dùng của Philippines, nhưng báo cáo cho biết mặt hàng chủ lực này chiếm hơn một nửa tỷ lệ lạm phát trong ba tháng qua. Giá đã tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 4, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Balisacan cho biết: “Việc giảm thuế gạo dự kiến sẽ làm giảm giá gạo cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ sản xuất trong nước thông qua thuế quan và tăng hỗ trợ ngân sách để cải thiện năng suất nông nghiệp, đặc biệt là khi giá gạo toàn cầu vẫn ở mức cao”.

Theo ông, chính quyền Tổng thống Marcos đang cố gắng giảm giá cho người nghèo Philippines bằng cách cắt giảm thuế đối với gạo nhập khẩu xuống mức thấp nhất là 29 peso (0,49 USD)/kg trong năm nay.

Khi ông Marcos phụ trách bộ nông nghiệp vào tháng 8 năm ngoái, ông đã áp đặt trần giá gạo để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đánh giá biện pháp này không hiệu quả. Ông đã dỡ bỏ giới hạn giá một tháng sau đó.

Theo ông Balisacan, tổng thống sẽ ban hành lệnh cắt giảm thuế quan. Cũng tại cuộc họp này, Philippines tuyên bố rằng thuế quan đối với ngô, thịt lợn và thịt được lọc xương bằng máy sẽ không thay đổi cho đến năm 2028.

Ông Miguel Chanco, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại công ty tư vấn Pantheon Macro Economics, lưu ý rằng động thái này sẽ khiến gạo nhập khẩu rẻ hơn so với sản phẩm trong nước,.

“Điều này chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, xét trên cơ sở vĩ mô, giảm thuế sẽ giúp lạm phát giảm xuống, hỗ trợ sức mua của tất cả người dân Philippines”, ông nói. 

Ông cho rằng sự thay đổi này sẽ mang lại "lợi ích to lớn" cho các nhà xuất khẩu gạo ở châu Á, như Việt Nam và Thái Lan, nhưng Ấn Độ sẽ tiếp tục lỡ cơ hội do nước này hạn chế xuất khẩu.

Ông Robert Dan Roces, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng An ninh ở Manila, gọi quyết định giảm thuế là “con dao hai lưỡi”, vì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trong khi khiến nông dân phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu rẻ hơn. 

Trả lời Nikkei Asia, ông cho rằng: “Điều này có thể thúc đẩy một số người đa dạng hóa cây trồng, có tiềm năng xáo trộn các hoạt động canh tác đã có từ lâu. Các chương trình hỗ trợ của chính phủ, như trợ cấp và cải thiện hiệu quả trang trại, là rất quan trọng để giảm bớt thiệt hại cho nông dân”.

Tuy nhiên, Roces cảnh báo rằng động thái như vậy có thể khiến các nhà xuất khẩu gạo phải suy nghĩ lại về vị thế của họ ở Philippines. Ông nói thêm: “Các nhà xuất khẩu gạo như Việt Nam có thể thấy doanh số bán sang Philippines thấp hơn, nhưng điều này cũng có thể thúc đẩy họ khám phá các thị trường mới hoặc… các nhà sản xuất như Việt Nam có thể cung cấp các loại gạo có giá trị cao hơn cho các nhà nhập khẩu Philippines”.

H.Mĩ