|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Philippines áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời lên xi măng nhập khẩu

11:27 | 28/01/2019
Chia sẻ
Để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, DTI quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 210 peso/tấn (tương đương khoảng 4 USD/tấn) đối với xi măng nhập khẩu.
 

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines, ngày 18/1, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã thông báo về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm xi măng nhập khẩu.

philippines ap dung bien phap tu ve tam thoi doi voi san pham xi mang nhap khau
Philippines áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm xi măng nhập khẩu.

Theo đó, sau quá trình điều tra, DTI kết luận lượng xi măng nhập khẩu đã gia tăng đột biến, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời kì điều tra.

Do vậy, để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, DTI quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 210 peso/tấn ( tương đương khoảng 4 USD/tấn). DTI cho biết lượng thuế tự vệ này được xác định trên cơ sở cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đảm bảo lượng cung vẫn duy trì ổn định và giá bán không tăng.

Biện pháp tự vệ tạm thời này sẽ có hiệu lực trong 200 ngày dưới hình thức tiền ký quỹ đối với xi măng nhập khẩu.

Trước đó, ngày 10/9, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm xi măng nhập khẩu vào Philippines căn cứ vào Mục 6 của Đạo luật về biện pháp tự vệ của Philippines.

Sản phẩm bị điều tra là xi măng có mã HS: 2523.2990 và 2523.9000. Thời kỳ điều tra để xem xét lượng tăng nhập khẩu là 2013 - 2017.

Cơ quan điều tra cho biết lượng xi măng nhập khẩu đã gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2014 - 2017. Cụ thể, tổng lượng xi măng nhập khẩu đã tăng 70% trong năm 2014; 4.390% năm 2015; 549% năm 2016 và 72% năm 2017.

Theo DTI, Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Philippines trong giai đoạn 2014 - 2017. Hơn nữa, DTI cho rằng sự gia tăng nhập khẩu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước này thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận cũng như giá bán của ngành sản xuất nội địa.

Xem thêm

Đức Quỳnh