Phiên 9/3: Khối ngoại tiếp tục bán ròng nghìn tỷ đồng tại HOSE, tâm điểm chốt lời một cổ phiếu thép
Nhiều cổ phiếu hàng hóa cơ bản lại trở lại đường đua về cuối phiên sáng nay dù trước đó bị bán mạnh. Tại nhóm dầu khí, PVO tăng kịch trần trong khi sắc xanh cũng lan tỏa trên PVC, PVB, PVT, PVD, PVS, hay các bluechips như PLX, GAS.
Đóng cửa, VN-Index tăng 0,03 điểm lên 1.473,74 điểm, HNX-Index giảm 1,29 điểm (0,29%) còn 444,6 điểm, UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (0,67%) lên 113,37 điểm.
Về cơ bản tâm lý thị trường đã dần ổn định lại, phiên hôm nay trong nước không có hiện tượng bán tháo, áp lực bán chủ yếu đến từ khối ngoại khi họ bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung xả các bluechips như HPG, VNM, VHM, MSN,...
Tại sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.069 tỷ đồng trong phiên thứ 3 liên tiếp, tương đương 22,4 triệu đơn vị cổ phiếu. Mặc dù vậy, điểm tích cực là quy mô lực xả đã giảm nhẹ so với phiên trước khi thị trường có phần ổn định lại.
Tương tự phiên trước đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng chủ yếu ở cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Mã này bị bán ròng hơn 3 triệu đơn vị, hay 151 tỷ đồng. Tuy vậy, lực cầu đối ứng vẫn giúp HPG tăng nhẹ 0,81% lên mức 49.850 đồng/cp.
Nối tiếp, nhà đầu tư ngoại có động thái chốt lời ở hàng loạt cổ phiếu thuộc rổ VN30, lần lượt phải kể đến như VNM (102 tỷ đồng), VHM (87,4 tỷ đồng), MSN (81,8 tỷ đồng), GAS (66,5 tỷ đồng), VIC (48,2 tỷ đồng). Lực xả tại các bluechips khiến MSN, VHM, VNM lọt top những mã có tác động tiêu cực nhất tới VN-Index trong phiên.
Nối tiếp, khối ngoại cũng chốt lời tại một số cổ phiếu mid-cap với giá trị nhỏ hơn, bao gồm GMD (44,9 tỷ đồng), DGC (41,6 tỷ đồng), VHC (40,3 tỷ đồng).
Mặc dù bán ròng HPG, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim là mã được gom ròng nhiều nhất trong phiên với giá trị 53 tỷ đồng. Quy mô mua gom đã tăng hơn 100% so với phiên liền trước giúp mã này có thêm 4,28% giá trị trong phiên.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại cũng mua gom 45,1 tỷ đồng cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect. Tuy vậy, mã này vẫn chịu áp lực điều chỉnh trong phiên thứ 3 liên tiếp dưới lực xả của nhiều nhà đầu tư.
Theo sau, nhóm này cũng mua ròng khoảng 15 tỷ đồng ở bộ đôi cổ phiếu PNJ và DPM, trước khi rót ròng với quy mô dưới 10 tỷ đồng vào các mã HAH, VCB, STB, HDC, TLG...
Trên sàn HNX, nhà đầu tư ngoại bán ròng 5,8 tỷ đồng nhưng mua ròng về khối lượng với 21.736 đơn vị cổ phiếu.
Dẫn đầu ở chiều bán, khối ngoại xả ròng mạnh nhất cổ phiếu THD (11 tỷ đồng), theo sau là SCI (2,8 tỷ đồng). Nối tiếp, áp lực xả nhẹ hơn cũng xuất hiện ở TC6 (1,4 tỷ đồng), THT (1,1 tỷ đồng), BVS (1,05 tỷ đồng),…
Ở chiều mua, cổ phiếu TNG của Đầu tư và Thương mại TNG thu hút mạnh nhất dòng tiền ngoại với giá trị vào ròng đạt gần 3 tỷ đồng. Kế đó, khối ngoại tập trung mua ròng PVG (2,5 tỷ đồng), IDC (2,2 tỷ đồng), PVS (1,9 tỷ đồng), PVI (1,5 tỷ đồng), trước khi mua nhẹ hơn các mã LUT, PVC, TA9,…
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại giao dịch tích cực hơn khi duy trì mua ròng 3,12 tỷ đồng, tương đương rót ròng vào 142.870 đơn vị cổ phiếu.
Tại chiều mua, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi thu hút phần lớn lực cầu với quy mô gần 2,5 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại theo sau cũng tập trung mua ròng VEA (2,2 tỷ đồng), LTG (1,6 tỷ đồng), trước khi mua gom nhẹ hơn MSR, GHC, MCM,…
Chiều ngược lại, cổ phiếu VTP của Viettel Post dẫn đầu danh mục bán ròng với 4,6 tỷ đồng. Cùng chiều, hoạt động rút vốn của khối ngoại còn được chứng kiến tại ACV, BSR, MCH,… với giá trị dưới 1 tỷ đồng.