Phép thử nhân tài của các công ty danh giá Phố Wall: Cho học sinh quản lý danh mục tới 20 triệu USD
Cơ hội kiếm việc
Tại một hội trường ở Hong Kong, 50 thanh thiếu niên ở độ tuổi 15 - 18 liên tục gõ laptop, hò hét tên các doanh nghiệp khi họ cố gắng mua bán tài sản cho các danh mục ảo trị giá 20 triệu USD. Trên máy chiếu, mã cổ phiếu và giá cả liên tục nhấp nháy.
Một học sinh hét lên: “Tesla, Tesla! Sao tôi lỗ nhiều thế?” Lúc sau, người khác thở phào nhẹ nhõm: “Tesla tăng rồi… CÁM ƠN!”
Nhóm học sinh này đang tham dự một hội thảo miễn phí được tổ chức trong hai ngày để hiểu được môi trường của các công ty tài chính cao cấp. Hội thảo kết thúc bằng một trò chơi mô phỏng, trong đó mỗi người được giao quản lý một danh mục đầu tư ảo trị giá 20 triệu USD trong hơn một giờ.
Từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho đến quỹ đầu cơ Citadel, các đại gia trong ngành tài chính đang tìm kiếm nhân tài trẻ trên khắp toàn cầu.
Điều đó tạo ra cơ hội cho một số doanh nghiệp. Trong nhiều năm qua, các công ty này tổ chức nhiều hội thảo cho sinh viên đại học và giờ đây đang mở rộng đối tượng sang học sinh cấp ba tại những nơi như Hong Kong và Singapore.
Các học sinh trẻ tuổi coi đây là cơ hội tốt để giành được lợi thế khi cạnh tranh việc làm ngày càng gay gắt. Các ngân hàng từ Goldman Sachs đến JPMorgan đang cắt giảm việc làm tại châu Á trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc sa sút.
Vincent Huang, cậu học sinh 18 tuổi đạt hạng nhất trong trò chơi đầu tư mô phỏng ở Hong Kong, bình luận: “Nền kinh tế suy yếu thúc đẩy giới trẻ nỗ lực nhiều hơn”.
Top 10% học sinh đứng đầu cuộc thi đầu tư mô phỏng được truy cập miễn phí vào các khóa học nâng cao của công ty tổ chức sự kiện.AmplifyME, công ty có trụ sở tại London, chuyên huấn luyện thực tập sinh cho tên tuổi lớn như Nomura và Citadel.
Khoảng 40% thực tập sinh bộ phận kinh doanh và giao dịch của Morgan Stanley tại châu Âu, châu Phi và Trung Đông trong mùa hè năm ngoái là ứng viên được công ty này đào tạo, tờ Bloomberg cho hay.
Đa dạng hóa nguồn nhân tài
Hơn 120.000 học sinh trên toàn cầu đã tham gia trò chơi mô phỏng của AmplifyME - với nội dung bao gồm các thị trường, ngành ngân hàng và tài chính định lượng.
Thông qua những sự kiện trên, các công ty tài chính đang tìm cách thu hút nữ giới và học sinh thuộc các dân tộc khác nhau. Buổi hội thảo ở Hong Kong có sự tham gia bởi học sinh Trung Quốc, Nam Á và đa sắc tộc - và một nửa trong số đó là nữ.
Đối với Sahana Iyer, nữ sinh 17 tuổi tại một trường quốc tế ở Hong Kong, buổi hội thảo đó đã thúc đẩy em tìm hiểu thêm về giao dịch chứng khoán khi cân nhắc các nguyện vọng đại học. Iyer cho biết: “Ngành tài chính chắc chắn có một chút tư tưởng phân biệt giới tính. Hy vọng rằng thế hệ của em sẽ phá vỡ được rào cản đó”.
Iyer đạt thành tích vượt trội trong trò chơi mô phỏng sáp nhập giữa 17 đội. Các học sinh được phát những lá bài poker tượng trưng cho nguồn lực của công ty để trao đổi. Đến vòng thứ 5, họ cần tìm kiếm đối tác để kết hợp bảng cân đối kế toán của mình bằng cách sử dụng các lá bài.
Tổn thương tinh thần
Trong trò chơi giao dịch của AmplifyME, các học sinh được phát báo cáo nghiên cứu về cổ phiếu và xu hướng vĩ mô. Mỗi người được giao 20 triệu USD để đầu tư, giá cả thực tế trong quá khứ được tích hợp vào chương trình mô phỏng.
Trò chơi có một số quy tắc cơ bản. Học sinh không được phân bổ hơn 5 triệu USD vào một nhóm tài sản. Nếu mất hơn 500.000 USD cho một vị thế, họ phải thoát ra. Việc nắm giữ tiền mặt bị đánh giá tiêu cực - bởi các nhà quản lý danh mục mang phong cách chủ động cần lý do để giải thích cho mức phí 2%. Các học sinh có thể quan sát lãi lỗ theo thời gian thực.
Chương trình mô phỏng theo dõi cả cách kiểm soát rủi ro lẫn lợi nhuận của học sinh. Người có thành tích tốt nhất trong trò chơi mô phỏng ở Hong Kong là Vincent Huang. Cậu thực hiện giao dịch 154 lần trong 80 phút cao hơn hẳn số lượng giao dịch của các học sinh khác là từ 30 đến 80.
Huang lãi 8,6 triệu USD - tương ứng tỷ suất sinh lời 43% - với các ván cược vào Nvidia, Lockheed Martin và Amazon. Giống như các nhà đầu tư trong thế giới thực, các học sinh trải nghiệm cảm giác phấn khích khi giao dịch và cảm nhận nỗi đau tột cùng khi mất hàng triệu USD trong nháy mắt.
Ông Adrian Low, nhà tâm lý học ở Hong Kong, nhận xét sự tổn thương tinh thần là điều mà các sinh viên muốn theo học ngành tài chính cần phải hiểu. Các khách hàng của ông bao gồm các sinh viên và chuyên gia lĩnh vực tài chính. Ông Low kêu gọi học sinh suy nghĩ kỹ về quyết định dấn thân vào ngành này.