|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phát triển TTCK cần tư duy 'mở đất' (Kỳ 1): Hệ lụy từ sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng

21:31 | 26/01/2019
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần thể hiện tư duy mới mang tầm “mở đất” để thị trường chứng khoán phát triển nhanh, bền vững.
phat trien ttck can tu duy mo dat ky 1 he luy tu su phu thuoc vao von ngan hang Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ hệ thống các giải pháp phát triển TTCK
phat trien ttck can tu duy mo dat ky 1 he luy tu su phu thuoc vao von ngan hang

Tăng quy mô tín dụng làm giảm tăng trưởng kinh tế

Ðể có tư duy mới mang tính mạnh bạo, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển nhanh và bền vững, theo nhiều chuyên gia, cần đánh giá sâu sắc những rủi ro của việc nền kinh tế và doanh nghiệp quá phụ thuộc vào nguồn vốn của hệ thống ngân hàng. Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ rõ, không chỉ doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế phải đối mặt với những rủi ro phát sinh từ hệ lụy của việc quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.

Theo TSKH. Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉ ra một thực tế đáng suy ngẫm, đó là sự mở rộng quy mô tín dụng có dấu hiệu làm chậm đà tăng trưởng kinh tế. Khi quy mô tín dụng cung cấp cho hộ gia đình tăng mạnh và vượt quy mô tín dụng cung cấp cho doanh nghiệp, thì chính phần tín dụng cung cấp cho hộ gia đình lại ít hiệu quả, đóng góp ít nhất, thậm chí còn làm giảm tăng trưởng kinh tế nói chung.

Nghiên cứu cho thấy, có 5 nguyên nhân chính dẫn đến việc mở rộng tăng trưởng tín dụng có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, việc nới lỏng và tự do hóa các quy định kiểm soát, quản lý hệ thống ngân hàng ban đầu có đóng góp tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi chúng được nới lỏng quá đà, thì đó lại là nguyên nhân sâu xa dẫn tới các cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng, làm suy yếu các nền tảng vĩ mô và tạo tiền đề cho khủng hoảng kinh tế.

phat trien ttck can tu duy mo dat ky 1 he luy tu su phu thuoc vao von ngan hang

Thứ hai, quy mô cung tín dụng qua hệ thống ngân hàng quá lớn và vượt quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong khi phần tín dụng qua hệ thống ngân hàng kém hiệu quả hơn phần vốn đầu tư được sử dụng từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ ba là ảnh hưởng của hiệu ứng bảo hộ đối với các tổ chức tín dụng. Khi tín dụng ngân hàng kém hiệu quả hơn đối với tăng trưởng kinh tế so với các kênh dẫn vốn khác, thì sự bảo hộ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, đến mức không thể cho phép sụp đổ, dẫn đến thúc đẩy các tổ chức này tiếp tục mở rộng quy mô tín dụng cho nền kinh tế.

Thứ tư, chất lượng tín dụng kém dần. Quy mô tăng trưởng tín dụng không phải lúc nào đồng hành cùng với chất lượng tín dụng. Ðiều này làm gia tăng nợ xấu và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Thứ năm, quy mô tín dụng cho kinh tế hộ gia đình đã vượt quy mô tín dụng cho doanh nghiệp, trong khi hiệu quả của tín dụng ở khu vực gia đình thấp hơn. Ðiều này cũng làm giảm hiệu quả của kênh tín dụng nói chung.

Vẫn theo báo cáo của OECD, việc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng qua hệ thống ngân hàng có thể tạo nhiều thách thức trong việc hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững nền kinh tế, đặc biệt là yếu tố xã hội, bởi sẽ làm tăng khoảng cách giàu nghèo.

Trong khi đó, trong 5 thập kỷ vừa qua, khi kênh dẫn vốn đầu tư thông qua tín dụng tỏ ra kém hiệu quả, thậm chí làm giảm tăng trưởng kinh tế, thì kênh dẫn vốn đầu tư thông qua thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, lại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng

Quy chiếu lại bài học và kinh nghiệm quốc tế, cũng như thực tiễn ở Việt Nam, có lý do để quan ngại khi tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn ở mức cao.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuối năm 2018, tỷ lệ tín dụng/GDP vào khoảng 130%. Tỷ lệ này, theo một số tổ chức quốc tế cảnh báo, là cao. Do đó, cần sự phát triển của thị trường vốn để dần giảm bớt gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp đang đè trên vai hệ thống ngân hàng.

Tỷ lệ tín dụng/GDP và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn ở mức cao sẽ gây nên rủi ro cho hệ thống ngân hàng, cũng như nền kinh tế.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân trong năm 2018 là 28,7%. Một số ngân hàng thương mại đang nỗ lực cơ cấu lại kỳ hạn huy động và cho vay (theo quy định, từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn không được quá 40%). Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng hiện là 2,4%.

phat trien ttck can tu duy mo dat ky 1 he luy tu su phu thuoc vao von ngan hang

Sự phụ thuộc của nền kinh tế vào sức khỏe của hệ thống ngân hàng còn thể hiện qua tổng tài sản của các ngân hàng hiện chiếm gần như tuyệt đối trong tổng tài sản của các định chế tài chính ở Việt Nam.

Tổng hợp của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, năm 2018, tổng tài sản của các định chế tài chính ước đạt 203% GDP, tăng 11,5% (năm 2017 tăng 17,5%). Trong đó, tỷ trọng tài sản của các tổ chức tín dụng tiếp tục chiếm tỷ lệ rất cao, lên tới 95,5%, tỷ lệ nhỏ còn lại phân bổ: các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 3,4%, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chiếm 1,1%.

Tuy vai trò cung ứng vốn của thị trường vốn cho nền kinh tế tăng dần, qua đó phần nào giảm gánh nặng cho tín dụng ngân hàng, nhưng tỷ trọng cung ứng vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế tính theo giá trị phát hành thực tế trong năm 2018 chỉ chiếm 14% tổng cung ứng vốn (năm 2017 là 10,2%).

Ông Nguyễn Ðức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, tình trạng nền kinh tế, doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn của hệ thống ngân hàng kéo dài suốt thời gian qua và gây nên nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, đến nay, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính - tiền tệ chưa khắc phục được rõ nét tình trạng này.

Ở nhiều nước, để có nguồn vốn dài hạn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp thường huy động qua thị trường vốn, chỉ lượng vốn lưu động mới vay ngân hàng. Thế nhưng, ở Việt Nam, khi cần vốn cho khởi nghiệp, hay mở rộng sản xuất - kinh doanh, đa phần người kinh doanh nghĩ ngay đến vay vốn ngân hàng.

Chính thói quen cũ chậm thay đổi này khiến gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp tiếp tục đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng, mà chưa có sự chia sẻ hợp lý từ phía thị trường vốn, thị trường chứng khoán như thông lệ các nước.

Thực tế trên đòi hỏi phải có giải pháp giúp thị trường vốn, thị trường chứng khoán thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho doanh nghiệp, còn ngân hàng chỉ là nơi cung cấp nguồn vốn ngắn hạn như phân vai của các loại thị trường theo thông lệ quốc tế.

Trong đó, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sắp được trình Quốc hội cho ý kiến cần thể hiện tư duy mới trong việc đưa ra hệ thống cơ chế đột phá nhằm thúc đẩy phát triển nhanh thị trường chứng khoán, qua đó sớm san sẻ gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế đang đè nặng trên vai hệ thống tổ chức tín dụng.

Kỳ 2: Thị trường vốn chậm san sẻ gánh nặng tài trợ vốn, do đâu?

Xem thêm

Hữu Hòe