Phát triển nhà ở công nhân - hiện thực hoá giấc mơ an cư
Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, hình ảnh những dòng người phải "tháo chạy" khỏi các khu công nghiệp để trở về quê hoặc buộc phải ở lại trong "túp lều thời chiến" để thực hiện "3 tại chỗ" đã bộc lộ những bất cập trong chính sách nhà ở công nhân.
Hơn nữa, trong bối cảnh "bình thường mới" hiện nay, khi chúng ta thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, dự kiến số công nhân làm việc trong các khu, cụm công nghiệp tăng hằng năm nên nhu cầu nhà ở càng cao và cấp thiết hơn. Đã đến lúc, các cấp, các ngành không thể đứng ngoài cuộc và cần rốt ráo hơn nữa để giải quyết vấn đề này, hiện thực hóa giấc mơ an cư của người công nhân.
Bài 1: Nỗi niềm công nhân 'tha hương': Bao giờ mới mua được nhà?
Làm công nhân 10 năm ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), chị Trịnh Thị Huyền (30 tuổi) chia sẻ, lương công nhân lâu năm như chị chỉ được 7-8 triệu đồng/tháng.
"Giá cả cái gì cũng đắt nên mình phải tiết kiệm nhưng cũng chẳng dư được bao nhiêu. Con gái lớn ở trên này với bố mẹ, con gái nhỏ thì gửi về quê để ông bà nuôi, đỡ chút nào hay chút ấy", chị Huyền trải lòng.
Trong cái nắng gắt của mùa hè ở Thủ đô, chị Huyền "cắn răng" bật điều hòa ở mức 28 độ để tiết kiệm điện. Căn nhà, thực ra là phòng trọ rộng chừng 20 m2 khép kín được xây ở mảnh vườn cạnh nhà chủ. Phòng nhỏ nên cả nhà sinh hoạt chung ở đây.
10 năm làm công nhân là 10 năm chị Huyền bám trụ ở thành phố, dành dụm từng đồng để mong mua được một căn hộ nhỏ. Tuy vậy, với mức lương công nhân không nhiều nhặn, rồi tiền học cho con, tiền ma chay, cưới hỏi…, chị đành ngậm ngùi gác lại ước mơ mua nhà, để dành tiền gửi ngân hàng lấy lãi sau này về quê buôn bán nhỏ.
"Mình chỉ mong Nhà nước, công ty có chính sách tăng lương, hỗ trợ nhà ở, đi lại, trợ cấp xăng xe cho công nhân. Nếu được mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp, thời gian trả dài thì đời sống công nhân sẽ tốt hơn", chị Huyền nói.
Trong khi đó, anh Vũ Xuân Tiến, công nhân tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) chia sẻ, nếu anh đi làm đủ cả tháng, chưa trừ các chi phí khác thì được 5,4 triệu đồng. Dịp này, công ty tăng giờ làm thêm nên lương "nhích" lên 7,7 triệu đồng. Tuy vậy, trừ tiền đóng BHXH, tiền công đoàn phí… thì mức thực nhận của anh Tiến chỉ là 7,2 triệu đồng.
Theo anh Tiến, dù chưa có gia đình nhưng tiền trọ, điện, nước, internet, xăng xe, ăn sáng, tiền đám cưới, thăm hỏi đồng nghiệp tối thiểu phải 3 triệu đồng/tháng. May mắn, công ty anh hỗ trợ bữa trưa và tối tăng ca nên mỗi tháng anh dư khoảng 1,5-2 triệu đồng tiết kiệm.
"Chưa vợ con thì còn 'lay lắt' qua ngày, cưới vợ rồi cũng không biết bao giờ mới mua được nhà. Chẳng may ốm một trận thì coi như bay hết tiền. Rồi còn tiền nuôi con nhỏ. Kiểu này chắc không dám lấy vợ, đẻ con", anh Tiến bày tỏ.
Cùng nỗi niềm tâm sự với chị Huyền, anh Tiến, gia đình chị Oanh (quê Hà Tĩnh, KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) cũng gặp khó khi lên Thủ đô làm việc.
"Hai vợ chồng làm mỗi tháng được 15-16 triệu đồng. Tiền phòng trọ, tiền học cho con, tiền đi chợ, tiền ma chay, hiếu hỉ... rơi vào hơn 10 triệu. Còn chút gửi về cho ông bà dưới quê và dành khi con ốm đau", chị Oanh nói.
Ngồi trong căn phòng trọ chỉ khoảng 17-18 m2, chị Oanh mong sớm có thể đăng ký được một suất mua nhà ở xã hội.
"Mình mong mua được nhà ở xã hội nhỏ, khoảng 40 m2 thôi, có phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh riêng, còn nhà mình trọ hiện tại rất chật chội. Nếu được thì Nhà nước cho đóng trả góp khoảng 5 triệu đồng/tháng trở xuống, vay mua nhà khoảng 20-30 năm, xung quanh nhà có bệnh xá, trường học, chợ họp đến tối muộn thì tốt quá vì công nhân thường phải làm ca đêm", chị Oanh chia sẻ.
Nhà ở công nhân như "muối bỏ bể"
Số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy, Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu cần 12,5 triệu m2 sàn nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp khu vực đô thị nhưng đến nay mới thực hiện được khoảng 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội (đạt khoảng 58% kế hoạch). Trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu m2, mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước.
Tại địa bàn TP. Hà Nội, theo thống kê, Thành phố hiện có khoảng 326.000 doanh nghiệp với trên 2,5 triệu lao động; trong đó có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp, 165.000 lao động, phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 60%).
Tuy nhiên, hiện nay mới có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất-Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Trong đó, khu nhà ở dành cho công nhân thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long là dự án đầu tiên của cả nước dành cho công nhân, có quy mô 28 đơn nguyên, đáp ứng khoảng 11.500 chỗ ở.
Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, với tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô hiện nay, nhu cầu về nhà ở của lao động lớn, thực tế nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Trong hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên thu nhập của người lao động bị giảm sút, vấn đề nhà ở cho công nhân lao động lại càng khó khăn hơn.
Không chỉ tại Hà Nội, câu chuyện nhà ở công nhân như "muối bỏ bể" còn là thực trạng chung của nhiều địa phương, trong đó có Bắc Giang – tỉnh có nhiều khu công nghiệp.
Ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết, việc đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân tại địa phương triển khai rất chậm, mới đáp ứng khoảng 7,5% nhu cầu.
Bắc Giang có khoảng 238.000 công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Số công nhân có nhu cầu về nhà ở hiện nay khoảng 124.000 người (chiếm khoảng 52%); công nhân đang thuê nhà trọ trong nhà của các hộ dân khoảng 58.000 người (chiếm 24,4%) với điều kiện sinh hoạt hạn chế, thiếu các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại...
Nhiều công nhân không có nhà lưu trú hằng ngày phải đi làm bằng phương tiện cá nhân hoặc xe khách công cộng, ảnh hưởng đến thời gian và hiệu suất lao động, gây ách tắc, mất an toàn giao thông. Hằng năm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến công nhân ở các khu công nghiệp đều tăng...
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 19 vị trí khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang triển khai xây dựng và thu hút đầu tư lập quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay mới có 2 dự án nhà ở công nhân do doanh nghiệp xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đó là Công ty TNHH Fuhong-Đình Trám (Việt Yên) và Công ty TNHH MTV Than 45 - Sơn Động đáp ứng cho khoảng 6.550 công nhân.
Tương tự tại Hải Phòng, quỹ nhà ở dành cho công nhân thuê tại các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp là rất ít.
Thành phố Hải Phòng có 8 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân thuê do doanh nghiệp đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách với số căn hộ là 4.555 căn. Trong đó có một dự án của Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí tại Lô N3, Khu công nghiệp Đình Vũ đã hoàn thành giai đoạn 1; một dự án khu nhà ở công nhân thuê (có quy mô 22 nhà) tại phường Hải Thành, quận Dương Kinh đã xây dựng và đưa vào sử dụng 9 nhà đáp ứng chỗ ở cho 864 công nhân. 6 dự án còn lại chưa khởi công, các dự án này đều có vị trí ở các khu vực xa dân cư, hệ thống hạ tầng xã hội chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sống của công nhân.
Có thể thấy, nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp là nỗi niềm mong mỏi, "đau đáu" của công nhân. Tuy nhiên, trong khi nhiều người ao ước có một căn nhà để "an cư lạc nghiệp" thì có một thực tế là ở nhiều nơi, một lượng lớn căn hộ bị bỏ trống trong thời gian dài không có người đăng ký mua, thuê.
Dường như vấn đề nhà ở cho công nhân hiện nay tồn tại rất nhiều vướng mắc, bất cập khi thiếu hạ tầng phụ trợ, như: Nhà trẻ, trường học và những tiện ích dịch vụ khác... Hơn nữa, không phải doanh nghiệp nào cũng có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, dẫn đến việc người lao động phải tự bỏ hết chi phí. Việc bố trí chỗ ở theo kiểu ký túc xá (6 – 8 người/phòng) nảy sinh nhiều bất cập trong sinh hoạt hằng ngày…
Chia sẻ về những bất cập nhà ở cho công nhân, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc phát triển tổ hợp công trình phục vụ người lao động, trong đó có nhà ở và các công trình dịch vụ phúc lợi theo thiết chế công đoàn như siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa đa năng... tại các địa phương nói chung, trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc triển khai còn chậm do thiếu quỹ đất hoặc vướng mắc nhiều thủ tục.
Mặt khác, nhiều công nhân chưa tiếp cận được nhà ở xã hội, bởi tiêu chí để ở nhà ở xã hội rất khắt khe, mức thu nhập của công nhân còn thấp nên không thể thuê, mua được nhà ở xã hội.
Trong gần 2 năm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này cho thấy người lao động vẫn chưa an cư, làm ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của người lao động và tác động đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng.
Tại cuộc đối thoại với công nhân toàn quốc mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng, có an cư thì mới lạc nghiệp, là quyền được có nhà ở. Đảng và Nhà nước luôn trăn trở, chăm lo và chỉ đạo nhiều chủ trương. Quốc hội, Chính phủ cũng đã cụ thể hóa nhiều chính sách ưu đãi như cơ chế chính sách ưu đãi về hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi… Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa giải quyết được một cách thấu đáo, căn cơ, bài bản.
Theo các chuyên gia, đã có rất nhiều cơ chế nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nhưng thực tế triển khai thì không như kỳ vọng. Nguyên nhân do thiếu "vốn mồi" để triển khai thực hiện, đồng thời những vướng mắc, chồng chéo về Luật Đất đai, Luật Đầu tư... chưa được tháo gỡ triệt để, dẫn đến thiếu quỹ đất. Vướng luật, lại thiếu tiền, thiếu đất thì làm sao đạt được mục tiêu?!
(còn tiếp)