|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phát triển kinh tế và bài toán môi trường

19:24 | 18/05/2017
Chia sẻ
Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp. Mặc dù đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, Việt Nam lại đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường như một hệ quả của việc phát triển công nghiệp.

Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Nhiều năm gần đây, Việt Nam có xu hướng thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt ở các ngành công nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường. TP HCM là một điển hình trong việc thể hiện rõ quyết tâm này, khi lãnh đạo thành phố tuyên bố sẽ không chấp nhận những dự án sử dụng quá nhiều tài nguyên đất hoặc công nghệ quá đát. Chính quyền thành phố lo ngại những dự án đầu tư này sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực tới môi trường.

Tháng 11/2016, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra rằng ô nhiễm môi trường và thiệt hại do thiên tai có thể làm tăng trưởng GDP mỗi năm giảm khoảng 0,6% trong giai đoạn 2016-2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng ô nhiễm nước, không khí và đất tại các thành phố lớn ở Việt Nam đang có xu hướng tăng, đòi hỏi các giải pháp cần nhanh chóng được đưa ra.

Bên cạnh đó, những lo ngại về các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm môi trường cũng là chủ đề nóng trong những năm gần đây. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 92% dân số Việt Nam hiện có thể sử dụng nguồn nước đảm bảo. Mặc dù vậy, chỉ hơn 60% dân số Việt Nam hiện sống ở nông thôn và chỉ có thể tiếp cận với nguồn nước sạch tự nhiên. Nếu nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, cuộc sống của người dân ở nông thôn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 2016, các sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp đóng góp khoảng 15% lượng suất khẩu của Việt Nam. Đây là 2 ngành phụ thuộc nhiều vào môi trường và sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu tình trạng ô nhiễm môi trường không được kiểm soát.

Những nỗ lực chống lại tình trạng ô nhiễm môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường trong những năm gần đây đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn hạn chế lượng khí thải đến từ các khu công nghiệp. Kể từ tháng 6/2014, khi luật Bảo vệ Môi trường được đưa ra, toàn bộ các hoạt động phát triển kinh tế tại Việt Nam đều phải trải qua công đoạn đánh giá tác động tới môi trường. Các khu công nghiệp, vùng kinh tế…. đều phải vượt qua các bài kiểm tra về môi trường trước khi được triển khai.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang nỗ lực thu hút các FDI liên quan tới môi trường. Nỗ lực này thể hiện qua các chính sách ưu đãi về thuế, điều kiện kinh doanh đối với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường.

Một ví dụ tiêu biểu cho nỗ lực này của Chính phủ là Khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang). Khu công nghiệp Long Giang thành lập vào năm 2007 và hiện đang có vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hong Kong, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc và ASEAN. Ngoài việc cung cấp các tiện ích và các cơ sở xử lý chất thải, Long Giang yêu cầu tất cả doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải được quy định trong các luật và quy định liên quan.

phat trien kinh te va bai toan moi truong
Phát triển kinh tế và hạn chế ô nhiễm môi trường là bài toán hóc búa không chỉ ở Việt Nam. Ảnh: Squarespace.

Vẫn cần những nỗ lực lớn hơn trong việc bảo vệ môi trường

Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, vẫn tồn tại những bất cập trong việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ 63% các khu công nghiệp đạt chuẩn xử lý các loại chất thải và nước thải. Ở khu vực thành thị, mức độ xử lý đáp ứng các yêu cầu theo luật định thậm chí còn thấp hơn, với chỉ gần 20% lượng chất thải rắn và khoảng 5% lượng nước thải.

Nguồn điện năng của Việt Nam hiện vẫn được sản xuất chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện, vốn tác động rất lớn tới môi trường. Trong đó, 30% lượng điện Việt Nam tự sản xuất đến từ than đá. Theo Bộ Công thương, cả nước có khoảng 20 nhà máy điện than, thải ra khoảng 16 triệu tấn tro mỗi năm. Lượng chất thải này hiện được lưu trữ trong các kho chứa lộ thiên, có thể dễ dàng gây ảnh hưởng tới sức khoẻ dân cư xung quanh. Đến nay, chưa có phương án hữu hiệu nào có thể xử lý các chất thải này.

Năm 2016, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét triển vọng đến 2030. Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và đặc biệt là thuỷ điện. Mặc dù vậy, tỷ lệ năng lượng tới từ thủy điện trên tổng sản lượng điện ở Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống dưới 30% vào năm 2020. Tới 2030, con số này sẽ giảm xuống dưới 16%. Nguyên nhân là bởi Chính phủ có kế hoạch tăng sản lượng điện từ than đá với tốc độ lớn. Đến năm 2020, nguồn điện từ than đá dự kiến chiếm 49,3% tổng sản lượng điện. Con số này vào năm 2025 dự kiến lên tới gần 60%.

Chi phí đầu tư và vận hành các nhà máy điện than rẻ hơn nhiều so với sử dụng các nguồn khác. Mặc dù vậy, các nhà máy nhiệt than có nhược điểm là lượng chất thải và khí thải lớn. Điều này có thể gây hại cho môi trường khi không có các giải pháp thích hợp như hệ thống lọc bụi và khí và các thiết bị khử lưu huỳnh thải khí.

Việt Nam cũng sẵn sàng phát triển một loạt các ngành công nghiệp phụ trợ để thúc đẩy sản lượng công nghiệp như vật liệu xây dựng, hóa chất và chế biến thực phẩm. Mặc dù vậy, các hoạt động này sẽ làm tăng số lò nung công nghiệp, dẫn tới lượng khí thải thải ra tăng lên.

Cần phải có những biện pháp kịp thời

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh Nghiệp tháng 5/2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần có sự phân biệt rõ ràng giữa các doanh nghiệp thân thiện môi trường đối với các đơn vị có thể gây ô nhiễm.

"Cần phải xác định rõ đâu là doanh nghiệp đầu tư thân thiện môi trường để từ đó cách ứng xử của cơ quan nhà nước thân thiện hơn. Còn đối với các doanh nghiệp có thể gây ô nhiễm, công nghệ lạc hậu thì cần phải có cơ chế riêng", ông Hà phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Hà cũng nêu ý kiến cho rằng, tại cuộc gặp gỡ này, gần như các doanh nghiệp chưa đề cập tới việc khai thác các thoả thuận đa phương quốc tế liên quan tới môi trường. "Đây là lĩnh vực quan trọng và cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.

Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn khí thải quốc gia, cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng đang nỗ lực thu hút nhiều FDI có giá trị gia tăng cao và công nghệ cao. Như vậy, Việt Nam mong muốn thu hút các đối tác nước ngoài phát triển công nghiệp cùng với chính quyền và các doanh nghiệp trong nước tiếp cận chuyên môn về công nghệ và quản lý môi trường. Do đó, một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ là thúc đẩy hợp tác với các đối tác có uy tín, trong đó công nghệ môi trường của họ đáp ứng các tiêu chuẩn được đề ra.

Tô Đức