|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc thành quận lõi công nghệ

07:46 | 11/05/2024
Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu coi khu công nghệ cao Hòa Lạc như một đơn vị thứ 31, là quận lõi của thành phố phía Tây.

"Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được trao quyền tự chủ cao hơn trong quản lý nhà nước, từ đó có thể chủ động trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội", ông Thanh nói khi chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (KCN Hòa Lạc), chiều 7/5.

Một số doanh nghiệp hỏi tình trạng thiếu điện, chất lượng viễn thông kém, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng giải quyết vấn đề này. Trong đó, Sở Điện lực đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, ổn định cho KCN Hòa Lạc, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có ngành sản xuất đặc thù.

Sở Thông tin và Truyền thông được giao phối hợp với các nhà mạng để nâng cấp chất lượng đường truyền sóng điện thoại, đảm bảo băng thông rộng và tốc độ truy cập cao, đáp ứng nhu cầu của khu vực công nghệ cao.

Ông Trần Sỹ Thanh phát biểu tại đối thoại, chiều 10/5. Ảnh: Hoàng Phong

Chủ tịch Hà Nội khẳng định việc đảm bảo điện và viễn thông ổn định là vô cùng quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp công nghệ cao. Nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KCN Hòa Lạc, biến nơi đây thành trung tâm công nghệ cao hàng đầu của Thủ đô.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển KCN Hòa Lạc thành "quận công nghệ xanh". KCN Hòa Lạc cần được quy hoạch tổng thể như một "quận lõi" phía Tây thành phố, với định hướng phát triển xanh, bền vững. Việc đưa sân bay Hòa Lạc thành sân bay lưỡng dụng được xem là cơ hội thúc đẩy phát triển cho khu vực.

Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với hạ tầng xây dựng cơ bản được hoàn thiện. Ảnh: NIC

Đại diện tập đoàn FPT nêu bất cập về hạ tầng kết nối giao thông và nhà ở cho người lao động, chuyên gia tại Khu CNC. "Mỗi ngày chúng tôi thuê 150 xe buýt cỡ lớn để chở nhân viên đi về. Năm 2023 chi phí gần 50 tỷ đồng, năm 2024 có thể mất gần 5 tỷ/tháng", đại diện FPT thông tin.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết trong quá trình lập quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc sẽ bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở. Cơ chế này cũng sẽ được đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến sắp được thông qua, từ đó thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực để đầu tư.

Phó ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Lê Thanh Sơn cho biết khu CNC Hòa Lạc hiện có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng. Trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề (trong đó có khoảng 10.000 nhân lực công nghệ cao), doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.

Đến nay, cả Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã nghiên cứu, tiếp nhận, giải mã, làm chủ và phát triển 52 nhóm công nghệ cao, 47 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo Quyết định của Thủ tướng.

Phối cảnh một góc Khu CNC Hòa Lạc. Ảnh: Võ Hải

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được quy hoạch diện tích 1.586 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai với 8 khu chức năng (Giáo dục và Đào tạo, Nghiên cứu và Triển khai, Khu Phần mềm, Khu Công nghiệp Công nghệ cao, Khu Hỗn hợp, Khu Trung tâm, Khu Nhà ở, Khu Giải trí và Thể dục thể thao) và các khu vực phụ trợ (hồ Tân Xã, vùng đệm và cây xanh). Hiện thành phố Hà Nội là đơn vị quản lý khu công nghệ này.

Võ Hải

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.