|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phát triển công nghiệp hỗ trợ da giày, tại sao không? ​

07:22 | 23/01/2017
Chia sẻ
Không phủ nhận hơn 20 năm phát triển, ngành xuất khẩu (XK) da giày VN đã đạt được những thành tích hết sức ngoạn mục – vào Top 10 nước đứng đầu thế giới về sản xuất – XK giày dép; trong đó VN đứng thứ 2 (chỉ sau Trung Quốc). Tuy nhiên, VN chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ da giày đã khiến cho các DN sản xuất – XK da giày mất nhiều lợi thế, kém cạnh tranh trong nhiều năm qua…
phat trien cong nghiep ho tro da giay tai sao khong
Tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu ngành da giày của DN Việt Nam còn thấp.

Tốn hàng tỉ USD nhập khẩu nguyên phụ liệu

Sản xuất da giày là một trong những ngành hàng XK chủ lực của đất nước. Hàng năm, kim ngạch XK của ngành da giày chiếm gần 10% tổng kim ngạch XK của cả nước. Ngoài ra, da giày cũng đáp ứng 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

Thế nhưng , ngành công nghiệp da giày VN vẫn chủ yếu dựa trên gia công, với nguyên phụ liệu phải nhập khẩu là chủ yếu. Hàng năm, ngành da giày buộc phải nhập khẩu tới gần 60% nguyên phụ liệu, mới đủ nhu cầu sản xuất (trong đó nhập khẩu nhiều nhất là da thuộc).

Thống kê của Hiệp hội da giày VN năm 2015 cho biết, chỉ riêng nhập khẩu da thuộc, các DN da giày đã tốn kém khoảng 1,24 tỉ USD. Chưa kể các DN còn phải chi hàng tỉ USD để nhập khẩu các nguyên phụ liệu khác .v.v…

Ông Bùi Thế Hùng - Tổng GĐ Cty TNHH giày Khải Hoàn (TPHCM) - cho biết: “Ở VN hiện cũng có một số DN đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành da giày như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm phom, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất v.v…

Tuy nhiên, số lượng và quy mô DN công nghiệp hỗ trợ da giày còn quá manh mún, nhỏ bé, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của các DN da giày thôi. Vì vậy, các DN da giày muốn có đủ nguyên liệu sản xuất, phải chi hàng tỉ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu về sản xuất”.

Ông Tăng Văn Đức - GĐ Cty giày Thượng Thăng - nói: “Chính sự yếu kém, không phát triển công nghiệp hỗ trợ da giày, dẫn tới tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày XK của VN rất thấp (30-40%). Chưa nói, chất lượng của nhiều loại nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hiện cũng chưa đáp ứng yêu cầu XK, như các chỉ tiêu cơ lý, tính thẩm mỹ, độ đều và bền màu… cần phải cải thiện hơn nữa”.

Hình thành một ngành công nghiệp hỗ trợ da giày, tại sao không?

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội da giày - túi xách VN (Lefaso) - trăn trở: “Đứng trước cơ hội phát triển, nhưng ngành da giày VN đã không làm được như Trung Quốc, là phát triển sản xuất giày dép song song với phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da giày”.

Theo ông Thuấn, sự yếu kém về công nghệ, thiết bị và thiếu nguồn lực tài chính của các DN đã làm cho công nghiệp hỗ trợ da giày VN không thể cất cánh. DN da giày có vốn đầu tư nước ngoài (Đài Loan, Hàn Quốc) phải chuyển hầu hết máy móc, thiết bị, đội ngũ quản lý, kỹ thuật viên từ nước ngoài vào VN để sản xuất; đồng thời, họ chỉ định nguồn cung cấp nguyên phụ liệu nhập khẩu - chủ yếu từ Trung Quốc.

XK da giày VN đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và không ngừng gia tăng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của sản phẩm da giày. Vì thế, không cách nào khác, ngành da giày VN phải phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu cho sản xuất da giày. Song, theo phản ánh của ông Thuấn, “cái khó hiện nay là hầu hết các địa phương không mấy “mặn mòi” với sản xuất thuộc da, do lo ngại ô nhiễm môi trường.

Các nguyên phụ liệu khác như: Giả da, vải dệt, đế giày, phom, khoen, khóa, chi tiết trang trí, keo, dây giày…, tuy có tỉ lệ nội địa hóa cao hơn da thuộc, nhưng lại không cạnh tranh nổi về giá với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, DN cơ khí chế tạo phụ tùng, phụ kiện, hóa chất, dệt vải… cũng trong tình trạng yếu kém” - ông Thuấn nói.

Trước tình trạng này, hơn bao giờ, vấn đề VN cần phải xây dựng một ngành công nghiệp hỗ trợ da giày, lại trở nên cấp thiết như bây giờ. Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Lefaso - cho rằng: “Nhà nước cần phải cho xây dựng ngay các khu công nghiệp tập trung sản xuất da thuộc, dệt nhuộm, vải giả da… chuyên dùng cho ngành da giày, với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Kế đó, khuyến khích các địa phương xây dựng cụm công nghiệp chuyên sản xuất các loại nguyên phụ liệu cho da giày… Song song với đó, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, các giải pháp thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào sản xuất da giày, kết nối các DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài”.

Không phải ngẫu nhiên, tại Hội nghị phát triển công nghiệp hỗ trợ tại TP HCM, ngày 23.11.2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã phát biểu: “Để phát triển ngành da giày thành ngành có giá trị sản xuất lớn, có sức cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế; chúng ta phải phát triển một cách mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành da giày”

Cao Hùng