|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phấn đấu hết năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%

08:09 | 12/12/2023
Chia sẻ
Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao.

Phấn đấu hết năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 511/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Thông báo nêu, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên rất quyết liệt, chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công; đến nay đã ban hành 08 nghị quyết, 01 chỉ thị, 06 công điện và nhiều văn bản điều hành, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Đến hết tháng 11/2023 giải ngân vốn đạt khoảng 65,1% kế hoạch

Ngay từ tháng 02 năm 2023 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ đều có nội dung này. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của 05 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đã thành lập 26 đoàn công tác do Thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, trong đó có vấn đề giải ngân đầu tư công.

Tình hình thực hiện: Ước giải ngân đến hết tháng 11 năm 2023 đạt khoảng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77% về tỷ lệ và cao hơn khoảng 123 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao (có 03 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 75%). Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực đạt được, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

21 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn

Bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay còn có 21 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao; có 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước, trong đó có 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 15% và 08 địa phương giải ngân dưới 50%; còn nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ. 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê bình các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Việc chậm giải ngân của một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhiều nguyên nhân, trong đó: công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng thực hiện, bố trí vốn còn dài trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số bộ, cơ quan, địa phương chưa quyết liệt, sâu sát, kịp thời; năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án một số trường hợp còn hạn chế; kỷ cương kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm; công tác phối hợp giữa các Bộ, cơ quan, địa phương nhiều trường hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả; giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, chậm được sửa đổi, bổ sung; vẫn còn tình trạng thiếu nguyên vật liệu thi công, nhất là đối với các dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết niên độ ngân sách năm 2023, trong khi khối lượng vốn chưa giải ngân còn khá lớn. Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nước vì dân; quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao.

Đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình

Quan điểm chỉ đạo của Thường trực Chính phủ là quán triệt nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Nghị quyết, kết luận của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Trong bối cảnh khó khăn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Đồng thời, bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn

Thường trực Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư công.

Hoàn thiện chế tài trong việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân hoặc để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Giám sát, đôn đốc nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ

Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm tra, giám sát; tiếp tục duy trì hoạt động của 05 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 và cơ chế hằng quý Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2023, phát huy vai trò các tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh làm tổ trưởng; xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, nhất là những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các công trình, dự án liên vùng, có tính lan tỏa cao...

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án, giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán... đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công, nhất là trong công tác thẩm định, giao vốn, kiểm soát chi; đồng thời, tăng cường hậu kiểm.

Hướng dẫn, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hướng dẫn, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các bộ, cơ quan, địa phương nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả giải ngân hàng tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đặc biệt qua hình thức dịch vụ công trực tuyến; tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn nước ngoài.

Các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án đường bộ cao tốc.

Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng phù hợp với diễn biến giá thị trường.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương sửa đổi các quy định, Nghị định liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trước ngày 20 tháng 12 năm 2023.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; tuyên truyền các điển hình tiên tiến, những cơ quan, đơn vị làm tốt, mô hình hay, phát hiện những nơi làm chưa tốt hoặc có tiêu cực.

5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 đoàn công tác của các Thành viên Chính phủ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.     

Vũ Phương Nhi