|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Phân bón Cà Mau: Tổng sản lượng tiêu thụ tại ĐBSCL vượt 14% kế hoạch

07:50 | 25/06/2021
Chia sẻ
Thị trường Đồng bằng sông Cửu Long là thị trường mục tiêu số 1 của DCM ghi nhận sản lượng tiêu thụ vượt 14% kế hoạch nhưng vẫn tương đương với cùng kỳ năm 2020.
Phân bón Cà Mau: Tổng sản lượng tiêu thụ tại ĐBSCL vượt 14% kế hoạch - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của DCM. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) vừa công bố tình hình sản xuất 5 tháng đầu năm.

Cụ thể, mức công suất trung bình đạt 105%, đạt mức sản lượng ure quy đổi hơn 380.000 tấn và đã cung ứng toàn bộ ra thị trường. 

Ngoài ra để đáp ứng nhu cầu của người dân, DCM đã nhập khẩu và cung ứng ra thị trường gần 70.000 tấn các sản phẩm khác như NPK, Kali,…

Tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường mục tiêu số 1 của DCM, 5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng tiêu thụ các loại phân bón đạt 260.000 tấn, vượt 14% kế hoạch, tương đương với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó riêng sản phẩm ure và các sản phẩm gốc ure do công ty sản xuất chiếm 210.000 tấn, vượt 30% so với kế hoạch và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, kết thúc 5 tháng đầu năm, DCM đã thực hiện 44% kế hoạch sản lượng phân ure.

Ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, DCM cho biết đã xây dựng các kịch bản để mở rộng thị trường ra một số nước, tuy nhiên vẫn đảm bảo ưu tiên thị trường trong nước. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục vận hành tối đa công suất, đảm bảo nguồn cung, góp phần hạ nhiệt giá phân bón.

Phân bón Cà Mau: Tổng sản lượng tiêu thụ tại ĐBSCL vượt 14% kế hoạch - Ảnh 2.

Kế hoạch sản lượng năm 2021 của DCM. (Nguồn: DCM).

Riêng quý I, công ty đã thực hiện được 78% kế hoạch lợi nhuận năm 2021. "Nếu thị trường thuận lợi thì kết quả sẽ còn bứt phá hơn nữa", ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên  sáng ngày 27/4.

Thực tế trong 5 tháng đầu năm, giá phân bón tiếp tục neo ở mức cao. Theo Cục Hóa chất -Bộ Công Thương, giá phân bón tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng phi mã và chi phí vận chuyển tăng nhanh.

Ngoài lý do trên thì nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á đã bị sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa. Vì vậy, các yếu tố này đã khiến giá phân bón thế giới và phân bón trong nước bước vào chu kỳ tăng, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết.

Minh Hằng