|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 3] Tiêu điểm nông sản: Trung Quốc đem lại nhiều 'cảm xúc' cho mặt hàng sắn Việt Nam

09:00 | 30/12/2018
Chia sẻ
Trung Quốc nổi lên là thị trường tiêu thụ sắn lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, niềm vui của nông dân và doanh nghiệp kéo dài không được bao lâu thì xuất hiện thông tin bắt đầu từ ngày 15/11 mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát không được phép thông quan do quy định về bao bì, nhãn mác.

Nhu cầu sắn ở thị trường Trung Quốc tăng vọt

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 11 cả nước đã xuất khẩu được 218.026 tấn sắn (khoai mì) và các sản phẩm từ sắn, trị giá 96,69 triệu USD, tăng 19,7% về lượng và tăng 11,8% về trị giá so với tháng 10. Giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh tới 53,7% so với cùng kì năm 2017 lên 443,5 USD/tấn.

Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu mặt hàng này sang nhiều thị trường sụt giảm so với tháng 10 thì thị thường Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng mạnh.

Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 11 tăng 26,9% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với tháng 10, đạt 205.660 tấn, đem về 91,27 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình ở mức 443,8 USD/tấn, tăng tới 52%.

phan 3 tieu diem nong san trung quoc thi truong dem lai nhieu cam xuc cho mat hang san viet nam

Theo đánh giá của ông Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, xuất khẩu sản phẩm sắn sang Trung Quốc là câu chuyện rất nóng thời gian gần đây.

Ông Việt Anh cho hay nhu cầu mặt hàng này tại Trung Quốc rất lớn, đặc biệt là ở tỉnh Quảng Tây. Từ lâu, nhiều tỉnh Trung Quốc yêu cầu sử dụng xăng E5 và E10 kéo theo nhu cầu sắn để sản xuất loại xăng này cao.

Ngoài ra, sắn còn được dùng cho nhiều công nghiệp khác của Trung Quốc như sản xuất thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm.

Ông Việt Anh thông tin Trung Quốc hầu như không trồng được sắn và đa phần phụ thuộc nguồn cung từ bên ngoài như Thái Lan, Việt Nam và gần đây bắt đầu nhập khẩu thêm từ Campuchia.

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 10, Trung Quốc nhập khẩu 320.000 tấn sắn lát, trị giá 77,86 triệu USD, tăng 52,4% về lượng và tăng 51,9% về trị giá so với tháng 9.

Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chi tới 1 tỉ USD để nhập khẩu 4,26 triệu tấn sắn lát.

Thời gian gần đây, Trung Quốc có xu hướng tăng cường nhập khẩu tinh bột sắn kéo theo xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam cũng tăng theo. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, tháng 11, Việt Nam xuất khẩu 186.220 tấn tinh bột sắn, trị giá 89,2 triệu USD, tăng 17,2% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với tháng 10.

Trong đó, lượng tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 96% với khối lượng đạt 178.030 tấn, trị giá 85,09 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 17,6% về trị giá so với tháng 10.

Trung Quốc bắt đầu siết chặt quản lí

Ông Đào Việt Anh cho biết kể từ khi Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đảm nhận nhiệm vụ kiểm dịch và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản nói chung và mặt hàng sắn nói riêng trở nên khó khăn hơn.

Cụ thể, từ ngày 15/11, tại khu vực cửa khẩu Na Hình (Lạng Sơn), Trung Quốc yêu cầu hàng hóa trên bao bì phải ghi rõ loại hàng, quy cách, hàm lượng, ngày sản xuất... nếu hàng hóa không đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu.

Cơ quan chức năng phía Trung Quốc thông báo hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tinh bột sắn, sắn lát vào thị trường Trung Quốc chưa thông qua Chính phủ Việt Nam để đăng ký danh sách doanh nghiệp sản xuất với cơ quan Hải quan Trung Quốc.

Do vậy, bắt đầu từ ngày 15/11 mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát không được phép thông quan.

Cơ quan Hải quan Trung Quốc yêu cầu tinh bột sắn, sắn lát phải do doanh nghiệp Việt Nam có trong danh sách đã được đăng ký với cơ quan Hải quan Trung Quốc sản xuất.

Ông Việt Anh cho biết: "Trong chuyến công tác sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đã đề nghị lùi thời hạn áp dụng chính sách mới đối với sản phẩm sắn để doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị. Phía Trung Quốc cũng đang xem xét đề nghị này".

Cục Xuất nhập khẩu dự báo thời gian tới, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc vẫn gặp khó khăn do phía nước này áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Trong khi đó, Việt Nam đã vào chính vụ sản xuất tinh bột sắn nên nguồn cung khá dồi dào. Tuy nhiên, nhu cầu mua hàng từ thị trường Trung Quốc chậm hơn so với các năm gần đây, sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu sắn của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Ngoài ra, Cục cho biết thông thường tháng cuối năm luôn là giai đoạn Trung Quốc tiêu thụ tinh bột sắn nhiều nhất trong năm, nhằm phục vụ cho nhu cầu thực phẩm tăng cao dịp lễ tết cuối năm. Tuy nhiên, quy luật này dường như không còn đúng với năm 2018 khi nền kinh tế của Trung Quốc đang chịu tác động từ những căng thẳng thương mại với Mỹ.

Nhằm tận dụng tối đa tiềm năng và khắc phục khó khăn trước mắt đối với thị trường sắn Trung Quốc, ông Việt Anh kiến nghị cần tập trung khai thác, nâng cao thị phần tại tỉnh Quảng Tây, Vân Nam do những khu vực này có lợi thế về địa lí và linh hoạt về phương thức thương mại biên giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung triển khai công tác thị trường nhằm thâm nhập, khai thác thị trường khu vực miền Đông, trong đó có tỉnh Giang Tô và cửa khẩu Trấn Giang, nơi thông quan mặt hàng sắn lát khô nhiều nhất Trung Quốc.

Xem thêm

Đức Quỳnh