[Phần 2] Số vụ phá sản trang trại tại Mỹ tăng 13% trong nửa đầu 2019 vì chiến tranh thương mại
Năm 2006, khi Tổng thống Mỹ Doanld Trump vẫn nổi tiếng là một ngôi sao truyền hình thực tế và là nguồn tin cho các tờ báo lá cải, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch 5 năm để tăng đầu tư vào nông nghiệp ở nước ngoài.
Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn để bảo đảm các nguồn lực chiến lược kéo dài từ các mỏ dầu ở Angola, mỏ ở Congo và đất nông nghiệp ở Ukraine.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nông nghiệp ở nước ngoài đã tăng từ khoảng 200 triệu USD năm 2006 lên 500 triệu USD vào năm 2010.
Kế hoạch 5 năm thứ hai đã đẩy nhanh hơn nữa và đến năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nông nghiệp là 3,3 tỉ USD.
Một phần củ số tiền đó đã giúp các nhà cung cấp tiềm năng thúc đẩy tiềm lực.
Ví dụ, Trung Quốc đã đầu tư vào các cơ sở nghiền đậu nành từ Brazil đến Ukraine. Năm 2017, Bắc Kinh đã công bố một "kế hoạch hành động" nông nghiệp mới chạy song song với sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu "Vành đai - Con đường".
Nhìn chung, Trung Quốc đang nỗ lực để làm giảm tính dễ bị tổn thương trước những gián đoạn cung cấp từ lâu trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu.
Điều đó không có nghĩa là quốc gia châu Á hoàn toàn "miễn dịch" đối với các tác động trong ngắn hạn.
Lạm phát gia tăng đang làm trầm trọng thêm những ảnh hưởng của một nền kinh tế đang chậm lại; các hộ gia đình sẽ chịu thiệt hại, theo Nikkei Asia Review.
Một chợ bán buôn thịt heo tại Thượng Hải. Ảnh: Getty Image/Nikkei Asia Review.
Tuy nhiên, sự hiếu chiến của tổng thống Mỹ trong việc thúc đẩy cuộc chiến thương mại, thực tế, có thể giúp Bắc Kinh chống lại sự sụp đổ chính trị từ sự chậm lại của nền kinh tế, ông Jiayi Zhou, chuyên gia về an ninh thực phẩm tại Viện nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, nhận định.
Ngành nông nghiệp Mỹ "dính đòn mạnh"
Cho đến nay, cuộc chiến thương mại của ông Trump đã tác động mạnh đến nông dân Mỹ.
Xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm từ 19,5 tỉ USD trong năm 2017 xuống còn 9,2 tỉ USD trong năm 2018.
Tính đến tháng 6 năm 2019, các vụ phá sản trang trại đã tăng 13%, theo Liên đoàn Cục nông nghiệp Mỹ. Nửa đầu năm là giai đoạn gần như ghi nhận sự leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong một tuyên bố vào đầu tháng 8, Chủ tịch Cơ quan Nông trại Zippy Duvall đã gọi thông báo chấm dứt tất cả hàng nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc là một đòn giáng mạnh đối với hàng ngàn nông dân và chủ trang trại đang chật vật để mưu sinh.
Thiệt hại nhiều nhất có lẽ là các nhà sản xuất đậu nành, nông sản xuât khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc.
Protein đậu nành là thành phần chính cho thức ăn nuôi heo. Khi giá đậu nành Mỹ tăng do thuế quan, các nhà chăn nuôi heo Trung Quốc đã thay đổi hỗn hợp thức ăn và mua đậu nành Brazil.
Chính quyền Washington đã cố gắng giảm bớt thiệt hại với khoản cứu trợ trị giá 16 tỉ USD, nhưng các nhà phân tích nói rằng đó chỉ là một sự sửa chữa trong ngắn hạn, và rằng ngay cả khi chiến tranh thương mại kết thúc, có thể mất nhiều năm để sửa chữa thiệt hại đã gây ra cho nông nghiệp Mỹ.
Đối với những người chăn nuôi heo tại Mỹ, lo ngại về tương lai đã trở nên trầm trọng hơn vì khả năng mất thị trường xuất khẩu.
Trước cuộc bầu cử của ông Trump, nhiều người nông dân đã mong muốn mở cửa các thị trường châu Á thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại giữa 12 quốc gia được đàm phán dưới thời chính quyền Tổng thống Obama.
Ông Trump đã rút khỏi hiệp ước ngay sau khi vào Nhà Trắng.
Hiện tại, nông dân Mỹ bị lấy đi cơ hội vào thị trường lớn nhất tại Trung Quốc, và thậm chí Mexico đã đưa ra các hàng rào thuế quan trả đũa để đáp lại chính sách thương mại của Tổng thống Trump.