|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 1] Nikkei: Tập đoàn thủy sản Thai Union biến cá ngừ thành 'mỏ vàng'

11:37 | 25/03/2019
Chia sẻ
Người khổng lồ thủy sản Thai Union coi dầu cá và các mặt hàng có lợi nhuận cao khác là chìa khóa để tăng trưởng.

[Phần 1] Nikkei: Tập đoàn thủy sản Thai Union biến cá ngừ thành mỏ vàng - Ảnh 1.

Một nửa doanh thu của Thai Union đến từ cá ngừ đóng hộp, nhưng tập đoàn đang tìm cách mở rộng dòng sản phẩm mới đem lại giá trị cao hơn.

Tập đoàn thủy sản Thai Union, nhà xuất khẩu cá ngừ đóng hộp hàng đầu thế giới, đang trong quá trình nghiên cứu để tận dụng nguồn cá ngừ dồi dào của mình nhằm thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng lợi nhuận.

Một nửa doanh thu của Thai Union đến từ việc sản xuất cá ngừ đóng hộp nhưng tập đoàn đang tìm cách thâm nhập vào thị trường dầu cá tinh chế và các sản phẩm mạng lại lợi nhuận cao hơn được làm từ các thành phần phụ như đầu, da, mắt và xương của cá ngừ.

Chiến lược này được đưa ra khi doanh thu của Thai Union giảm 1,2% trong năm ngoái xuống còn khoảng 4,2 tỉ USD, một phần do tỷ giá của đồng baht so với USD tăng cao. 

Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 5% trong năm nay, trong đó các sản phẩm mang lại lợi nhuận cao sẽ là chìa khóa phát triển.

Một bước đi tích cực trong chiến lược này là xây dựng nhà máy lọc dầu cá ngừ tiên tiến trị giá lên tới 24 triệu USD ở Rostock, Đức, khai trương vào tháng 11 năm ngoái. Thai Union hi vọng sẽ sớm nhận được chứng nhận Kosher và Halal để có thể xuất khẩu dầu cá trên khắp lục địa.

"Dầu cá ngừ là bước đầu tiên của chúng tôi trong việc phát triển hoạt động kinh doanh nguyên liệu biển", Giám đốc điều hành Thai Union, ông Thiraphong Chansiri cho biết trong buổi khai trương nhà máy vào tháng 11 năm ngoái.

Hiện tại, Thai Union bán phần lớn dầu cá ngừ chưa tinh chế cho các nhà cung cấp dầu cá ngừ khác gồm các công ty lớn như Numega của Australia, DSM của Hà Lan - nơi sản xuất dầu tại Canada, và Nissui của Nhật Bản. 

Công ty tin rằng một khi nhà máy tinh chế tại Đức hoàn toàn đi vào hoạt động, họ có thể không phụ thuộc vào các công ty như trước. Cơ sở đang chờ chứng nhận Kosher và Halal.

Leon Coolen, Giám đốc Quản lí hàng hải của Thai Union cho biết "Chúng tôi đang đàm phán với các công ty đối tác. Hiện tại, tập đoàn sở hữu toàn bộ chuỗi cung ứng, điều đó có nghĩa là chúng tôi có thể kiểm soát chất lượng và số lượng. Các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi lấy nguồn dầu từ các quốc gia khác nhau".

[Phần 1] Nikkei: Tập đoàn thủy sản Thai Union biến cá ngừ thành mỏ vàng - Ảnh 2.

Nhà máy tinh chế mới của Thai Union được xây dựng tại Đức sẽ sản xuất dầu cá cho các nhà sản xuất sữa bột trẻ em và khách hàng khác. (Ảnh được cung cấp bởi Thai Union)

Nâng cao chuỗi giá trị là một chiến lược quen thuộc đối với Thai Union. Trong 4 thập kỉ qua, công ty đã chuyển đổi từ một nhà cung cấp cá ngừ sống thành chủ sở hữu của một thương hiệu sản phẩm cá quốc tế ổn định. 

Thai Union sở hữu hoàn toàn Chicken of the Sea - từng là khách hàng chính của Mỹ và đã mua lại các thương hiệu MW của Châu Âu, gồm John West, Petit Navire, Parmentier và Mareblu, cũng như 49% cổ phần của chuỗi nhà hàng tôm hùm đỏ có trụ sở ở Mỹ trong thập kỉ qua.

Lí do khiến Thai Union chọn xây dựng nhà máy ở Đức mà không phải Thái Lan là sự tiêu dùng phổ biến của khách hàng với dầu cá ngừ - các công ty sản xuất sữa bột trẻ em.

Phần lớn sữa bột dành cho trẻ em trên thế giới được sản xuất tại châu Âu, thị phần chủ yếu thuộc về các công ty đa quốc gia gồm Nestle, Danone, Abbott, Mead Johnson và FrieslandCampina. 

Các nhà sản xuất châu Âu chiếm khoảng 80% thị trường sữa bột trẻ em ở Trung Quốc, nơi những nhà sản xuất địa phương vẫn chưa phục hồi sau vụ bê bối năm 2008 khi chất melamine được tìm thấy trong sữa bột do Trung Quốc sản xuất gây ra nhiều trường hợp tử vong của trẻ sơ sinh.

Dầu cá ngừ chứa nhiều Omega 3/DHA (docosahexaenoic acid), một thành phần quan trọng trong sữa bột trẻ em. DHA được tìm thấy trong sữa mẹ và là thành phần chính của các axit béo trong bộ não, đặc biệt là trong giai đoạn não đang được hình thành.

Tại châu Âu, các nhà sản xuất sữa bột trẻ em cải thiện sản phẩm của họ bằng cách bổ sung lượng DHA. Theo luật dự thảo gần đây, Trung Quốc sẽ sớm áp đặt các yêu cầu tương tự đối với các nhà sản xuất sữa, có khả năng tạo ra nhu cầu dầu cá ngừ lớn ở nước này.

Bà Coolen, người trước đây làm trong ngành kinh doanh sữa, thấy sự tương đồng của ngành công nghiệp sữa và thủy sản.

"Ngành sản xuất cá ngừ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng bởi một loạt các thành phần phụ của cá ngừ có thể sử dụng và đem lại giá trị cao. Ngành công nghiệp sữa đã trải qua một quá trình chuyển đổi tương tự như việc kinh doanh cá tại Thai Union. 

Cách đây hàng thập kỉ, họ kiếm được lợi nhuận từ các sản phẩm sữa và phô mai, nhưng ngày nay hoạt động kinh doanh đó gần như thua lỗ. Bây giờ những sản phẩm phụ như váng sữa, được sử dụng trong sữa bột trẻ em, thực sự là những nguồn lợi nhuận chính cho các công ty".

Nhà máy ở Đức, nơi có các công nghệ công nghiệp tiên tiến, cho phép Thai Union tự động hóa hoàn toàn hệ thống lọc dầu của mình. Chỉ cần 3 nhân viên/ca để vận hành toàn bộ cơ sở.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng không kém là hình ảnh toàn cầu của đất nước Đức.

"Chúng tôi nghĩ rằng hình ảnh các sản phẩm chất lượng được sản xuất tại Đức là yếu tố có thể giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm một cách nhanh chóng", ông Coolen cho biết. Mặc dù Thai Union nổi tiếng trong ngành kinh doanh cá ngừ đóng hộp, nhưng tập đoàn vẫn chưa tạo được uy tín trong lĩnh vực dầu cá ngừ.

Linh Giang