|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 1] Mỹ nâng thuế đối với cá rô phi Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thực sự hưởng lợi?

08:59 | 24/05/2019
Chia sẻ
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết rất khó để khẳng định cá tra Việt Nam hưởng lợi từ quyết định nâng thuế cá rô phi này hay không, vì đây là hai sản phẩm thuộc hai phân khúc khác nhau.

Cá rô phi Trung Quốc lao đao trước "đợt tấn công" thuế thứ hai từ Mỹ

Theo tờ Undercurrent News, ngày 9/5, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông báo dự kiến tăng mức từ 10% lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc, trong đó có cả mặt hàng cá rô phi.

Ông Don Kelley, Phó Chủ tịch và Giám đốc mua hàng tại Western Edge Seafood, nhà nhập khẩu chính của một số loại hải sản từ châu Á, cho hay cá rô phi Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế cao hơn nếu chúng đến Mỹ vào ngày 1/6, hoặc muộn hơn ngay cả khi Trung Quốc xuất khẩu trước ngày 10/5.

Cá rô phi Trung Quốc sẽ là một trong những sản phẩm hải sản chịu thiệt hại lớn nhất. Dù thuế quan 10% có hiệu lực vào tháng 9/2018, Mỹ vẫn nhập khẩu 142.127 tấn cá rô phi trị giá 445,8 triệu USD trong năm 2018, tăng 6% về khối lượng và tăng 5% về giá trị so với năm 2017.

Giá bán buôn cho cá rô phi không bổ sung thêm độ ẩm là 2,2 - 2,3 USD/pound cho một miếng philê cá cỡ 3 - 5 ounce; từ 2,35 - 2,45 USD/pound cho một miếng philê cá cỡ 5 - 7 ounce và 2,5 - 2,6 USD cho một miếng philê cá cỡ 7 - 9 ounce, ông Kelley cho biết.

Cá tra Việt Nam có được hưởng lợi?

Trao đổi với người viết, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết rất khó để khẳng định cá tra Việt Nam hưởng lợi từ quyết định nâng thuế cá rô phi này hay không, vì đây là hai sản phẩm thuộc hai phân khúc khác nhau. 

"Có thể việc Mỹ tăng thuế cá rô phi của Trung Quốc không có tác tác động trực tiếp nhưng vẫn có tác động gián tiếp đối với cá tra Việt Nam. 

Chúng ta có thể kì vọng rằng việc thị phần cá rô phi Trung Quốc giảm, người Mỹ sẽ tiêu thụ nhiều cá tra Việt Nam hơn bởi mặt hàng này đã tạo được ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng Mỹ", ông Hòe cho biết.

[Phần 1] Mỹ nâng thuế đối với cá rô phi Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thực sự hưởng lợi? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cũng cho rằng câu hỏi "Cá tra Việt Nam có được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có được hưởng lợi hay không?" vẫn bị bỏ ngỏ, nhất là khi Mỹ công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14), hàng loạt doanh nghiệp cá tra Việt Nam bị nâng thuế.

Mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Công ty Cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG) là 3,87 USD/kg. Điều này đi ngược với kết quả sơ bộ công bố ngày 10/9/2018 rằng Hùng Vương có thể được áp dụng là 0%.

Đối với các doanh nghiệp khác như NTSF Seafood  giữ nguyên 1,37 USD/kg so với mức thuế sơ bộ  công bố trước; 4 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác gồm CP Việt Nam, CL-FISH, Green Farms Seafood và Công ty Cổ phần Thủy sản Vinh Quang sẽ chịu thuế 1,37 USD, tăng 0,96 US cent so với sơ bộ.

Mức thuế suất toàn quốc vẫn áp dụng là 2,39 USD/kg.

Ông Quốc cho biết: "Ngoại trừ Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế 0%, các doanh nghiệp bị áp mức thuế quá hiện nay khá bấp bênh, không biết trong kỳ rà soát thứ 15 (POR 15) liệu thuế chống bán phá giá có tăng thêm không. Nếu tăng thêm nữa, việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ không còn hiệu quả".

Quý I/2019, doanh thu Hùng Vương đạt 1.302 tỉ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hơn 6 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 387 tỉ đồng. Doanh thu xuất khẩu từ ngày 1/10/2018 đến 31/3/2019 đạt 879 tỉ đồng, giảm 60% và chiếm 33% tổng doanh thu; doanh thu nội địa thuần 1.768 tỉ đồng, giảm 36% chủ yếu đến từ thủy sản 1.048 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lãnh đạo Công ty cũng đã thống nhất về việc thoái toàn bộ 51% vốn cổ phần tại Công ty Cổ Phần Hùng Vương Sông Đốc.

Theo VASEP,  trong tháng 2 và 3, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm lần lượt 22,8% và 44,4% so với cùng kì năm ngoái. Do đột ngột giảm mạnh nên Mỹ vốn được dự báo trở lại là thị trường tiêu thụ cá tra hàng đầu của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 3 (sau EU) đạt 71,16 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong quý I/2019.

Ông Quốc dự báo sang quý II, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tiếp tục giảm.

Ông Quốc thông tin thêm nhiều thị trường nhập khẩu khác cũng tận dụng việc Mỹ tăng thuế chống bán phá giá mà gây khó khăn đối với cá tra Việt Nam.

Về phía VASEP, ông Hòe tỏ ra lạc quan trước quyết định nâng thuế chống bán phá giá của Mỹ: "Thực tế, những năm gần đây, thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam ở mức cao nhưng xuất khẩu cá tra của chúng ta vẫn cao về cả sản lượng lẫn kim ngạch. Hơn thế nữa, thuế bán phá giá áp dụng cho các lô hàng đã xuất khẩu chứ không phải những lô hàng sắp xuất khẩu".

Đức Quỳnh