Hùng Vương nói gì trước quyết định thuế cá tra POR14 bất ngờ tăng 'sốc'?
"Vỡ mộng" mua lại cổ phần đã bán cho Vingroup?
Ngày 26/4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017. Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9/2018.
Điểm đáng chú ý, mức thuế áp dụng cho CTCP Hùng Vương (Mã: HVG) tăng "sốc" từ 0 USD/kg trong kết quả sơ bộ lên tới 3,87 USD/kg. Hùng Vương là đơn vị phải chịu mức thuế cao nhất trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ.
Trước thông tin này, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Hà Việt Thắng, Phó Chủ tịch CTCP Hùng Vương, cho biết hiện nay công ty chưa đưa bất kì bình luận nào về tác động của lệnh thuế đối với hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mà phải chờ kết quả từ cuộc họp hội đồng quản trị rồi mới đưa ra kết luận cụ thể.
Ông Thắng cho biết thêm, hiện tại Chủ tịch HĐQT Hùng Vương, ông Dương Ngọc Minh, đang đi công tác nước ngoài nên chưa thể tổ chức cuộc họp.
Sau khi thông tin được công bố, phiên 26/4, cổ phiếu VHG đảo chiều giảm sàn còn 5.570 đồng/cp, thanh khoản trên sàn khoảng 830.000 đơn vị. Cổ phiếu HVG đã giảm sàn 4 phiên liên tiếp, mất 31% so với thời điểm đạt đỉnh trong ba tháng qua (8.150 đồng/cp).
Trong khi đó, ngoài cổ phiếu AGF của CTP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang cũng giảm sàn; trong khi các mã thủy sản khác đều giao dịch tích cực như ANV, ACL, IDI, FMC, MPC.
Trước đó, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 để bàn về kế hoạch kinh doanh cũng như báo cáo kết quả kinh doanh 2018, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương, cho biết, đến thời điểm tháng 2/2019 nợ của Hùng Vương đã giảm 70% so với thời điểm 2015, xuống 3.124 tỉ đồng.
Mức thuế trong đợt rà soát thuế chống bán phá giá 14 (POR 14) của Hùng Vương sơ bộ bằng 0. Công ty đang làm việc với bộ phận cố vấn là luật sư tại Mỹ để đạt được mức thuế tốt nhất và khả năng thành công là 80%, còn lại 20% sự rủi ro là do yếu tố chính trị.
Ông Minh cho biết nếu kỳ rà soát POR của Hùng Vương thành công, thì định hướng của công ty là lâu dài. Cuối 2020, Hùng Vương sẽ quay về mục tiêu 20.000 tỉ đồng/năm doanh số và dự kiến mua lại cổ phần đã bán cho Vingroup. Ông Minh cho biết, công ty đã bán cho cổ phần cho Vingroup với giá trị 520 tỉ đồng, chiếm 38% cổ phần.
Tuy nhiên đến nay, mức thuế chính thức của đợt POR 14 đã lên tới 3,87 USD/kg khiến Hùng Vương dường như "vỡ mộng" việc mua lại cổ phần đã bán cho Vingroup.
Người viết sẽ liên hệ lại với công ty để biết kế hoạch mua lại cổ phần đã bán cho Vingroup sẽ được công ty xử lí thế nào trong thời gian tới.
Đã tính toán cho kịch bản xấu nhất
"Hiện công ty đã đưa ra kịch bản xấu nhất rồi, chờ 12 tháng nữa, tức sang tháng thứ 13, Hùng Vương sẽ phát triển", ông Minh phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Ông Minh cho biết trong ngành cá tra, tất cả đều đang "nín thở" chờ kết quả của Hùng Vương, kể cả thị trường Mỹ cũng chờ để định hướng vấn đề nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ông Minh cho biết sẽ rút khỏi công ty vào 2021, đứng sau điều hành, nhưng phải sắp xếp xong hết mọi thứ.
Tại đại hội, cổ đông Hùng Vương đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất đạt 4.400 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 100 tỉ đồng. Đồng thời, Hùng Vương sẽ không chia cổ tức 2019.
Kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 4.400 tỉ đồng, ông Minh nhận định đây là con số bất lợi nhất khi công ty loại trừ thị trường Mỹ, đưa ra trường hợp xấu nhất. Nếu POR 14 thành công, ông Minh kỳ vọng Hùng Vương trở về một doanh nghiệp đứng đầu ngành cá tra.