|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 1] Gạo Thái đang dần đánh mất vị thế trên thị trường quốc tế

08:34 | 03/12/2019
Chia sẻ
Không giành được giải gạo thơm ngon nhất thế giới trong hai năm liên tiếp là một lời cảnh tỉnh cho Thái Lan để điều chỉnh lại hoạt động nghiên cứu và phát triển các giống lúa Hom Mali để bắt kịp nhu cầu gạo thơm toàn cầu đang thay đổi.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 5 năm liên tiếp, gạo Hom Mali (jasmine) của Thái Lan đã bị gạo thơm của Campuchia đánh bại vào năm ngoái và giống ST25 của Việt Nam trong năm nay, theo Bangkok Post.

Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết: "Đã đến lúc cả chính phủ và khu vực tư nhân cùng chung tay nỗ lực nghiêm túc hơn để cải thiện chất lượng gạo Thái Lan để đáp ứng mong đợi của thị trường toàn cầu".

Không giống như hai thập kỉ trước khi Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới và có thể tiêu thụ tốt bất cứ loại gạo nào họ sản xuất, số lượng đối thủ cạnh tranh đang tăng lên, ông Charoen nhận định.

"Danh tiếng sản xuất gạo chất lượng của Thái Lan đang bị ảnh hưởng do thiếu nghiên cứu và phát triển hiệu quả để tạo ra giống lúa Thái Hom Mali tốt hơn", ông nói.

rice-and-corn-587593_1280

Chi phí cao, năng suất thấp

Đồng baht mạnh cũng làm trầm trọng thêm tình hình xuất khẩu gạo, ông Charoen chia sẻ nó đã kéo giá gạo Thái Lan cao hơn 1.100 USD/tấn so với các đối thủ.

Vì vậy, ví dụ như Việt Nam đang chiếm thị phần lớn hơn trong thương mại gạo toàn cầu, vì có thể bán gạo với giá chỉ bằng một nửa so với Thái Lan.

Việt Nam đã giành chiến thắng trong cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm nay vì đã tiếp tục phát triển các giống lúa của mình để cải thiện cả chất lượng và năng suất cây trồng. Ông Charoen cho biết Việt Nam đã liên tục nâng cấp gạo thơm của mình và hiện đã lên đến lần thử nghiệm thứ 25.

Mặt khác, Thái Lan đã mắc kẹt với các giống cũ như Thai Hom Mali và Pathum Thani 1 và đã không tạo ra bất kì chủng mới nào trong một thời gian dài.

Năng suất của gạo Thái Lan là khoảng 400 kg/rai, khá thấp so với năng suất 1.000 kg/rai của gạo Việt Nam. 

Và trong khi những người mua trên thị trường thế giới đang tìm kiếm loại gạo có kết cấu mềm, thì gạo Thái vẫn cứng như nhiều năm trước, ông Charoen nhận định.

Mặc dù vẫn có sự phát triển của một số giống mới mềm hơn, công việc đưa những giống mới vào vụ gieo trồng của người nông dân chậm và không thành công.

Điều này đã khiến các nhà xuất khẩu không thể đáp ứng nhu cầu gạo với kết cấu mềm, ông nói.

Tệ hơn nữa, đồng baht mạnh hơn đã làm tê liệt khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu với các đối tác của họ ở những quốc gia trồng lúa khác.

"Nếu không có gì được triển khai để cải thiện vấn đề này, gạo Thái Hom Mali sẽ sớm trở thành quá khứ", ông Charoen khẳng định

Khi người tiêu dùng ở những quốc gia nhập khẩu quen với mùi vị gạo giá rẻ hơn từ các nước xuất khẩu gạo khác, Thái Lan sẽ rất khó lấy lại chỗ đứng.

Tìm kiếm giải pháp

Nipon Poapongsakorn, một thành viên xuất sắc của Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan, cho biết một cách để giảm giá là giảm chi phí sản xuất bằng cách tăng sản lượng.

"Thái Lan có thể xem xét phát triển một giống lúa ít thơm nhưng cho năng suất cao hơn vì mục đích giảm chi phí", ông Nipon nói.

Năng suất của vụ mùa trái vụ cần lên đến ít nhất 1.000 kg/rai. Theo ông Nipon, giống lúa lai của Trung Quốc hiện đạt năng suất lên tới 2.000 kg/rai.

Chính phủ cũng nên xem xét đưa ra nhiều khuyến khích mọi người học tập để trở thành nhà nghiên cứu.

Chẳng hạn như Trung Quốc trả cho các nhà nghiên cứu một khoản thu nhập hấp dẫn thông qua phí sở hữu trí tuệ, ngoài mức lương cao cho các nhà nghiên cứu trong ngành dân sự.

Thay vì tự hào rằng gạo Thái tốt hơn các sản phẩm từ các quốc gia khác, Thái Lan nên chú ý hơn để đáp ứng kì vọng thay đổi của người mua gạo trên thị trường thế giới, ông Nipon kiến nghị.

(1 rai = 1.600 m2).

Lyly Cao