|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

PENM III muốn bán nốt hơn 7 triệu cổ phiếu HPG

18:06 | 18/02/2021
Chia sẻ
PENM III đã nhiều lần đăng ký thoái sạch vốn khỏi Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) nhưng không thành công vì giá thị trường không đạt kỳ vọng.
PENM III muốn bán nốt hơn 7 triệu cổ phiếu HPG - Ảnh 1.

Một cơ sở cán tôn Hòa Phát tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Quỹ PENM III (đến từ Đức) vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 7 triệu cổ phiếu HPG đang sở hữu, tương đương 0,21% vốn điều lệ của Tập đoàn Hòa Phát.

Thời gian giao dịch dự kiến từ 23/2 đến 22/3/2021 qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Tính theo giá đóng cửa phiên hôm nay là 43.850 đồng/cp, PENM III có thể sẽ thu về khoảng 310 tỷ đồng nếu bán hết như đăng ký.

Trong ba tháng cuối năm 2018, PENM III từng hai lần đăng ký thoái vốn khỏi Hòa Phát, mỗi lần dự định bán 20 triệu đơn vị, nhưng cả hai lần đều không thực hiện được như kế hoạch.

Tháng 11/2020, PENM III đăng ký bán toàn bộ 76,5 triệu cổ phiếu HPG nhưng thực tế chỉ bán 10 triệu đơn vị

Sau đó, quỹ này tiếp tục đăng ký bán 66,5 triệu cổ phiếu nhưng vẫn không thoái hết, còn hơn 7 triệu đơn vị để bán trong đợt tới. Lý do cho những lần thoái vốn bất thành trên đều là "giá thị trường không đạt kỳ vọng".

Công ty đầu tư PENM Partners đã nắm giữ cổ phiếu HPG thông qua các quĩ PENM II, PENM III và PENM IV từ năm 2008 đến nay. PENM II đã thoái hết vốn từ vài năm trước, PENM IV sở hữu trên 39 triệu cổ phiếu. Ông Hans Christian Jacobsen – Giám đốc điều hành của PENM III đồng thời là Thành viên HĐQT của Tập đoàn Hoà Phát.

Mới đây, một nhà đầu tư ngoại khác là Dragon Capital đã bán gần 7,3 triệu cổ phiếu HPG, trị giá khoảng 320 tỷ đồng.

PENM III muốn bán nốt hơn 7 triệu cổ phiếu HPG - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu HPG trong những tháng gần đây. (Nguồn: Tradingview).

Đầu tháng 1/2021, Hòa Phát đã đưa vào vận hành lò cao số 4 – cũng là lò cao cuối cùng – của Khu liên hợp Gang thép Dung Quất. Tổng sản lượng thép trong năm nay dự kiến đạt 8 triệu tấn, tăng 37% so với năm 2020. Trong đó sản lượng HRC phấn đấu đạt 2,7 triệu tấn, gấp gần 4 lần năm ngoái.

Nếu hoạt động diễn ra suôn sẻ, Hòa Phát sẽ vượt qua Formosa Hà Tĩnh để trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Trong tháng 1 vừa qua, Hòa Phát cho ra lò kỷ lục 670.000 tấn thép thô, tăng 67% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng HRC đạt 252.000 tấn, tăng 48% so với tháng 12/2020. Trong gần hai tháng đầu năm, Hòa Phát đã xuất khẩu khoảng 22.000 tấn tôn.

Năm 2020, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục 13.506 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra và tăng trưởng 78% so với năm 2019.

Song Ngọc