|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Parkson Hà Nội đóng cửa do cạnh tranh khốc liệt?

11:47 | 04/12/2016
Chia sẻ
Giới chuyên gia cho rằng Parkson lần lượt đóng cửa các trung tâm thương mại tại Hà Nội do cạnh tranh khốc liệt, kinh doanh không tốt.
Quang cảnh vắng vẻ tại một trung tâm thương mại ở Hà Nội. Ảnh: Vân Ly

Theo thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội, trung tâm Parkson Viet Tower (tại ngã tư Tây Sơn - Thái Hà) sẽ đóng cửa kể từ 15-12 tới sau 8 năm hoạt động. Còn từ đầu năm 2015, Parkson cũng đã đóng cửa Parkson Kaengnam trên phố Phạm Hùng. Giới chuyên gia cho rằng Parkson lần lượt đóng cửa các trung tâm thương mại tại Hà Nội do cạnh tranh khốc liệt, kinh doanh không tốt.

Thời gian gần đây, các trung tâm thương mại tại Hà Nội rơi vào tình trạng kinh doanh ế ẩm. Tại nhiều trung tâm, khách thuê trả lại mặt bằng.

Trước Parkson, trung tâm thương mại Grand Plaza cũng đã phải đóng cửa do kinh doanh ế ẩm.

Sau 3 năm đóng cửa, cuối năm ngoái trung tâm thương mại Grand Plaza trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội đã chuyển sang hình thức siêu thị nội thất với tên gọi Kasa Grand.

Còn trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza - là một trong những trung tâm thương mại đầu tiên của Hà Nội và có vị trí đắc địa (nằm ngay sát Hồ Gươm) - sau nhiều năm kinh doanh không hiệu quả đã cho tập đoàn Liên Thái Bình Dương thuê. Thời điểm đó, giới chuyên gia đánh giá, chỉ có tập đoàn này mới đủ sức “vực” đậy tình hình kinh doanh của trung tâm thương mại này. Sau khi được đổ khoảng 400 tỉ đồng, sửa sang và khai trương trở lại vào đầu năm 2013, tình hình hoạt động kinh doanh của trung tâm này cũng không mấy khả quan, lượng khách vào trung tâm này không cao, theo đánh giá của các chuyên gia.

Theo báo cáo của công ty Savills Việt Nam, thời gian qua hoạt động thị trường trung tâm thương mại tại Hà Nội kém sôi động. Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng do có nhiều dự án mới gia nhập thị trường, gồm Thăng Long Victory (Tòa T1), Thăng Long Garden và Victoria Văn Phú... nhưng tỷ lệ khách thuê bình quân lại giảm.

Còn theo công ty JLL, tỷ lệ trống của trung tâm thương mại tại Hà Nội ngày càng tăng. Quí 1-2016 tỷ lệ trống gần 25% thì đến quí 2 tăng thêm 1%, tỷ lệ trống của quí 2 năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 10%. Tỷ lệ trống tại các trung tâm thương mại ngày càng tăng do nhiều gian hàng ẩm thực tại đây trả lại mặt bằng. Nhiều trung tâm bán lẻ ở ngoài khu vực trung tâm tại Hà Nội đang trải qua giai đoạn khó khăn với hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.

“Có nhiều trung tâm thương mại ra đời nhưng lại ở vào vị trí không hợp lý, không phục vụ được cho các đối tượng dân cư ở đó. Hoặc họ đặt trùng vào những vị trí những khu vực mà thương mại đã có, đã đáp ứng đầy đủ và tốt hơn rồi (như Grand Plaza đặt ngay gần Big C Thăng Long) nên sẽ khó cạnh tranh”, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định.

Về năng lực triển khai, ông Đính cho rằng nhiều trung tâm thương mại được điều hành bởi “ông chủ” không có kinh nghiệm hoặc năng lực thì hoạt động cũng không tốt, không hiệu quả. Do đó có những trung tâm thương mại có vị trí ngay trung tâm mà cũng không thu hút được khách. Nhưng có nhiều trung tâm xa nhưng khách vẫn đông... đó là do kinh nghiệm, cách thức tổ chức kinh doanh.

Trả lời câu hỏi liệu thị trường trung tâm thương mại tại Hà Nội đã bão hòa, ông Đính cho rằng, so với các nước phát triển hoặc như Singapore thì hệ thống mạng lưới trung tâm thương mại của Hà Nội và Việt Nam chưa nhiều. Song Việt Nam chưa biết cách thu hút khách du lịch mua sắm như Singapore, Thái Lan nên hoạt động của trung tâm thương mại chưa hiệu quả.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam nhận xét: “Tỷ lệ trống của trung tâm thương mại tại Hà Nội ngày càng tăng là một quan ngại lớn cho thị trường này. Song việc hiện không có dự án nào mới đang triển khai là tín hiệu tốt và tích cực cho thị trường có thể tiêu thụ diện tích trống đang có”.

Vân Ly

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện mức tăng lợi nhuận trên 70%, thêm ngân hàng lãi tỷ đô
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.