|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Panasonic bán mảng chip bán dẫn cho công ty Đài Loan với giá 250 triệu USD

20:40 | 28/11/2019
Chia sẻ
Tập đoàn Panasonic cho biết họ sẽ bán mảng bán dẫn đang thua lỗ cho Nuvoton Technology Corp của Đài Loan với giá 250 triệu USD khi “gã khổng lồ” điện tử Nhật Bản này gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy lợi nhuận trong bối cảnh thiếu động lực tăng trưởng, Reuters đưa tin.

Đợt bán mảng bán dẫn này là một phần trong kế hoạch của Panasonic nhằm cắt giảm chi phí cố định 100 tỉ yên (tương đương 920 triệu USD) trước thời điểm cuối tháng 3/2022 bằng cách hợp nhất các cơ sở sản xuất và đại tu các mảng kinh doanh đang thua lỗ.

Panasonic đã thoái vốn phần lớn khỏi đơn vị kinh doanh chip của họ khi đánh mất thị phần cho các đối thủ nhanh nhẹn hơn từ Hàn Quốc và Đài Loan, đồng thời đóng cửa hoặc chuyển các cơ sở sản xuất sang liên doanh (JV) với Tower Semiconductor của Israel.

Đơn vị bán dẫn của Panasonic hiện đang tập trung vào việc thiết kế chip và cảm biến quản lý năng lượng cho điện thoại thông minh, xe hơi và camera an ninh. Họ đã bán một phần của mảng kinh doanh chip quản lý năng lượng cho công ty Rohm Co của Nhật Bản trong tháng này.

Thỏa thuận mới nhất này bao gồm việc bán toàn bộ liên doanh JV, được sở hữu 51% bởi Tower và 49% bởi đơn vị chip của Panasonic. Liên doanh JV vận hành ba cơ sở sản xuất chip tại Nhật Bản.

Panasonic cho biết quyết định bán mảng bán dẫn sẽ không có tác động đáng kể đến lợi nhuận của họ. Giá trị thỏa thuận mà Panasonic đã công bố không bao gồm số tiền Nuvoton sẽ trả cho lượng cổ phần của Tower Semiconductor trong liên doanh này.

Nuvoton cho biết trong một tuyên bố, giao dịch này (thanh toán tn bộ bằng tiền mặt) dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 6/2020 và sẽ tăng sự hiện diện của Nuvoton trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu thông qua qui mô và số lượng giải pháp bán dẫn lớn hơn.

Nuvoton, vốn được tách ra từ Winbond Electronics vào năm 2008, cung cấp chip cho các thiết bị điện tử bao gồm máy tính và các sản phẩm âm thanh.

Panasonic đã không còn chú ý đến các thiết bị điện tử tiêu dùng có biên lợi nhuận thấp và đặt cược vào hoạt động bán linh kiện cho các nhà sản xuất ô tô, cũng như cho các tập đoàn như chủ sở hữu nhà máy và các công ty tự động hóa các quy trình.

Nhưng sự thay đổi này không thể nâng cao lợi nhuận cho Panasonic trong lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đã tác động đến hoạt động mua hàng công nghiệp và sản lượng công nghiệp, và thị trường xe hơi toàn cầu đang thu hẹp.

Minh Tuấn