|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PAN được gì từ cái 'bắt tay' với C.P?

15:04 | 14/01/2022
Chia sẻ
Cái bắt tay giữa tập đoàn PAN và C.P Việt Nam trong việc phát triển chuỗi giá trị nuôi tôm của CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC, công ty con của PAN) được xem là bù đắp mảnh ghép còn thiếu của cả hai bên.

Chi phí nuôi giảm với sự góp mặt của C.P

Trong diễn biến mới nhất, Sao Ta đã có thêm sự gia nhập của C.P Việt Nam, thuộc CP Group, một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới với tỷ lệ sở hữu là 24,9% cổ phần.

PAN được gì từ cái 'bắt tay' với C.P? - Ảnh 1.

PAN ký thỏa thuận hợp tác với C.P (Ảnh: Tập đoàn PAN)

Với nội dung hợp tác trong phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản bền vững, Tập đoàn PAN cùng công ty thành viên cam kết trong chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình nuôi và chế biến tôm; ưu tiên sử dụng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm của C.P Việt Nam.

Với thế mạnh về sản xuất tôm giống và thức ăn cho tôm, C.P Việt Nam cam kết hỗ trợ kịp thời và đầy đủ các nguồn vật tư nuôi tôm như con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm… cho vùng nuôi của các công ty thành viên Tập đoàn PAN.

Trong năm 2021, với ngành tôm, có lẽ đề tài chi phí nuôi tăng mạnh vì giá thức ăn liên tục leo thang được nhắc đến nhiều nhất, bên cạnh những câu chuyện xoay quanh “3 tại chỗ” hay tôm quá lứa vì không thể thu hoạch. 

Điều này tác động đến toàn ngành tôm, bao gồm cả những doanh nghiệp lớn. Hiện thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 45-60% và con giống chiếm 7% chi phí nuôi tôm. 

Lần hợp tác này được kỳ vọng giúp giảm rủi ro về biến động mạnh về giá thức ăn chăn nuôi và con giống như thời gian qua. 

Theo thỏa thuận hợp tác, C.P Việt Nam sẽ hỗ trợ PAN về mặt con giống và thức ăn chăn nuôi cho Sao Ta. Đây đồng thời là thế mạnh của C.P ở thị trường toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. 

Trao đổi với người viết, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta tiết lộ giá con giống mà C.P cung cấp cho Sao Ta sẽ rẻ hơn khoảng 20 - 30% so với đại lý cấp 2. 

"Giá tôm giống C.P có thể cao gấp đôi giá tôm giống của các cơ sở trung bình. Nhưng C.P vẫn sốt con giống do người nuôi tôm thấm thía câu "tiền nào của nấy"", ông Lực cho hay.

Với thức ăn chăn nuôi, vẫn chưa rõ mức triết khấu nhưng sẽ bình giữ bình ổn hơn nếu xảy ra các đợt tăng giá liên tiếp như vừa qua.

“Năm qua giá thức ăn chăn nuôi tăng 5 - 7 lần, nhưng với đối tác như Sao Ta thì giá sẽ không biến động nhiều”, ông Lực nói. 

Hoàn thiện mảnh ghép trong chuỗi giá trị

"Trong hợp tác C.P hiểu là họ thiếu cái gì và PAN cũng hiểu mình thiếu gì", ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch tập đoàn PAN chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra hôm 10/1.

Quay trở lại những năm 1980, C.P từ một công ty con giống tại Thái Lan trở thành một tập đoàn chăn nuôi lớn đa quốc gia như hiện nay một phần nhờ  thành công đưa con tôm vào thị trường Nhật Bản.

Thời điểm đó, công ty này chủ yếu mua hàng đã chế biến từ Indonesia, Nam Mỹ để bán vào thị trường Nhật. Tuy nhiên, càng về sau này các tiêu chuẩn ở Nhật khắt khe hơn, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải có chuỗi giá trị sản xuất. 

Các thị trường khác như Mỹ, EU cũng yêu cầu tương tự. Do đó, C.P tìm kiếm đối tác để hoàn thiện chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến chế biến.

Trước đó, khi C.P vào Việt Nam cũng đã từng thử trong mảng nuôi và chế biến nhưng thất bại. Tuy nhiên, với lĩnh vực tôm giống và thức ăn nuôi thủy sản lại rất thành công, đứng top đầu của Việt Nam.

Ông Hưng cho rằng việc kết hợp giữa hai tập đoàn sẽ là lợi thế cạnh tranh của PAN và C.P khi thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu.

"Khi chủ động được "từ A đến Z" các khâu trong chuỗi, chúng tôi sẽ không còn phụ thuộc vào người mua nước ngoài. 

Thậm chí ngược lại, khách hàng sẽ phải phụ thuộc vào chúng tôi bởi để tìm được nhà cung cấp có hoàn thiện về chuỗi sản xuất trong thủy sản rất khó. Chính vì chiến lược chung đó nên vừa rồi chúng tôi tăng gấp đôi diện tích nuôi của Sao Ta đồng thời đưa quy trình chuẩn áp dụng vào người dân liên kết ở Sóc Trăng", ông Hưng nói.

Theo giới thiệu, CTCP Thực phẩm Sao Ta hiện đang có vùng nuôi rộng 300 ha, đảm bảo chất lượng đầu vào phục vụ xuất khẩu sang ba thị trường trọng điểm là EU, Nhật Bản và Mỹ.

"Hiện tại công ty đang tự chủ được 30% tôm nguyên liệu cho chế biến, phục vụ các thị trường cao cấp. 70% còn lại mua từ các hộ nuôi liên kết và dùng cho thị trường bình dân hơn", ông Lực chia sẻ.

Trong thư gửi cổ đông đầu năm 2022, ông Lực chia sẻ ngay đầu năm mới, nhà máy mới Tam An thuộc công ty thành viên Khang An sẽ chính thức đi vào hoạt động. Cùng với đó, trại nuôi Thực phẩm Sao Ta có thêm trên 52 ha đất dự án để mở rộng quy mô nuôi, tiếp tục thực hiện chiến lược đến năm 2025 có ít nhất 500 ha nuôi tôm.

Tuy nhiên, ông Hưng khẳng định sẽ chỉ bán tối đa 25% cổ phần của Sao Ta cho C.P và không có ý định "bán đứt".

H.Mĩ