|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ôtô nhập khẩu từ Indonesia tăng đột biến

08:12 | 14/03/2017
Chia sẻ
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) từ Indonesia đầu năm nay đã có bước tăng đột biến cả về lượng lẫn giá trị.
oto nhap khau tu indonesia tang dot bien
Mẫu xe đa dụng 7 chỗ ngồi Toyota Fortuner thế hệ mới được xem là nguyên nhân chính đẩy kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Indonesia tăng đột biến trong 2 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, lượng ôtô CBU có xuất xứ Indonesia về thị trường Việt Nam trong tháng 2/2017 đạt 1.285 chiếc, tương ứng là mức giá trị hơn 18 triệu USD. Cộng dồn 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô 2017 từ quốc gia thuộc cộng đồng ASEAN này đạt 3.108 chiếc về lượng và 53,5 triệu USD về giá trị.

Đáng chú ý là nếu chỉ xét riêng về giá trị, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Indonesia 2 tháng đầu năm 2017 cũng đã vượt xa so với tổng giá trị kim ngạch của cả năm 2016.

Năm 2016, tổng lượng ôtô nhập khẩu từ Indonesia đạt 3.884 chiếc và giá trị kim ngạch đạt 44,8 triệu USD. Con số tương tự của năm 2015 cũng chỉ lần lượt đạt 3.454 về lượng và 35,3 triệu USD.

Lý giải cho cú tăng đột biến này có lẽ không ngoài sự xuất hiện của mẫu xe đa dụng 7 chỗ ngồi Toyota Fortuner thế hệ mới.

Ngày 5/1/2017, liên doanh Toyota Việt Nam chính thức tung Fortuner thế hệ mới ra thị trường. Điểm mẫu chốt chính là ở chỗ thay vì lắp ráp ngay tại Việt Nam như trước đây, Fortuner lại được nhập khẩu từ Indonesia.

Sau gần 2 tháng bán ra thị trường, Fortuner đã đạt mức sản lượng bán hàng 2.140 chiếc. Như vậy, có thể thấy riêng Fortuner đã đóng góp đến trên 2/3 tổng lượng ôtô nhập khẩu từ Indonesia giai đoạn 2 tháng đầu năm nay.

Cùng với Indonesia, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Thái Lan cũng tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng.

Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Thái Lan trong tháng 2/2017 đạt 3.159 chiếc về lượng và 59,3 triệu USD giá trị, bỏ xa mức kim ngạch từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ khác mà Việt Nam đang nhập khẩu ôtô CBU.

Cộng dồn 2 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ Thái Lan đạt 5.714 chiếc và trên 110 triệu USD, cao hơn không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Với cú bứt tốc của Indonesia và đà tăng trưởng ổn định của Thái Lan, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ 2 nước khu vực Đông Nam Á tiếp tục thể hiện sức mạnh khi ngày càng bỏ xa phần còn lại.

Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Hàn Quốc, nước xuất khẩu ôtô nhiều thứ 3 vào thị trường Việt Nam tại thời điểm nay (sau Thái Lan và Indonesia), cũng chỉ đạt 2.045 chiếc về lượng và 27,8 triệu USD về giá trị.

Vị trí thứ 3 của Hàn Quốc thậm chí cũng đang bị đe dọa bởi ôtô nhập khẩu Ấn Độ. Thống kê cho thấy, đã có 1.724 ôtô CBU được nhập khẩu từ Ấn Độ trong 2 tháng đầu năm, đạt giá trị kim ngạch gần 6,8 triệu USD.

Trước đây, Hàn Quốc cùng với Nhật Bản và Trung Quốc là 3 cường quốc xuất khẩu ôtô CBU vào Việt Nam. Nhưng đến nay, nếu như ôtô từ xứ sở Kim Chi vẫn ít nhiều duy trì thế mạnh thì ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng giảm mạnh.

Như đã phân tích ở nhiều bài viết trước đây trên VnEconomy, “điểm tựa” tạo sức bật mạnh mẽ của ôtô nhập khẩu Thái Lan và Indonesia chính là lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Theo ATIGA, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước thành viên ASEAN năm 2017 đã giảm xuống còn 30% (mức thuế suất áp dụng năm 2016 là 40%) và chỉ còn 10 tháng nữa bước sang năm 2018, mức thuế suất chỉ còn 0%, tức là đã được xóa bỏ.

Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu về đà tăng trưởng mạnh mẽ của ôtô nhập khẩu Thái Lan và Indonesia thời gian qua. Thậm chí từ năm tới, sự áp đảo của ôtô nhập khẩu từ 2 quốc gia này còn lớn hơn rất nhiều. Điều khó dự đoán có chăng chỉ là tỷ lệ áp đảo so với ôtô nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ còn lại đến mức nào mà thôi.

oto nhap khau tu indonesia tang dot bien
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Đức Thọ

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.