|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng: Năm 2017, hạn chế tín dụng đối với bất động sản cao cấp

15:44 | 12/01/2017
Chia sẻ
Năm 2016, tín dụng ở lĩnh vực BĐS tăng nhiều so với năm 2015, chiếm khoảng 20% so với tổng dư nợ trên địa bàn thành phố.

“Năm 2016, ngành ngân hàng (NH) thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra. Năm 2017, tiếp tục nỗ lực giữ lãi suất ổn định, tiến tới giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu”. Đó là chia sẻ của ông Võ Minh khi trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng.

P.V: Ông có đánh giá gì về hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2016?

Ông Võ Minh: Năm 2016, hoạt động của hệ thống NH trên địa bàn thành phố ổn định, tăng trưởng huy động và tín dụng đạt mức cao nhất cả nước, nợ xấu được xử lý hiệu quả, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định và được điều chỉnh giảm dần.

Cụ thể, năm 2016, các NH trên địa bàn thành phố rót vốn ra thị trường khoảng 18.336 tỷ đồng, tăng 24,73% so với cùng kỳ năm 2015. Số tiền cho vay doanh nghiệp đạt 65.000 tỷ đồng, chiếm 70,27% trên tổng dư nợ, tăng 24,65% so với cuối năm 2015; dư nợ cho vay cá nhân đạt 27.500 tỷ đồng, chiếm 29,73%, tăng 25,20% so với cuối năm 2015. Huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn ước thực hiện là 99.000 tỷ đồng, tăng 25,75% so với cuối năm 2015. Tiền gửi dân cư đạt 67.500 tỷ đồng, tăng 21,42%; tiền gửi tổ chức kinh tế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 36,17% so với cuối năm 2015.

Đặc biệt, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn giảm mạnh từ 1.317 tỷ đồng xuống còn 808 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Một số NH đã giảm mạnh nợ xấu như: Eximbank Đà Nẵng giảm tới 83% từ 14 tỷ đồng xuống còn 2,3 tỷ đồng; NH Công thương Ngũ Hành Sơn, giảm 86% từ 4,5 tỷ đồng xuống còn 625 triệu đồng; NH BIDV Sông Hàn giảm từ 2,6 tỷ đồng xuống còn 700 triệu đồng. Cá biệt nhiều NH không có đồng nợ xấu nào như, Indovina Đà Nẵng, SCB chi nhánh Sông Hàn, Ngoại thương Bắc Đà Nẵng,...

Nhìn chung, hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn trong năm 2016 có mức tăng trưởng tốt so với năm 2015. Trong đó, cho vay bằng Việt Nam đồng tăng mạnh (27,48%), cho vay bằng ngoại tệ giảm 7,03% so với năm 2015, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế...

P.V: Năm 2016, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế (TCKT) vào TCTD tăng mạnh lên đến 36,71% so với năm 2015, trong khi đó lãi suất tiền gửi liên tục giảm. Đây có phải là một tín hiệu cho thấy các tổ chức kinh tế thừa tiền không mở rộng đầu tư ?

Ông Võ Minh: Rõ ràng năm 2016, lượng tiền gửi của các TCKT trên địa bàn thành phố vào các NH tăng cao trong năm 2016 điều này có thể suy luận theo 2 cách. Thứ nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 các TCKT có hiệu quả nên họ có nguồn tiền gửi vào NH để tiết kiệm. Thứ 2, các TCKT không mở rộng đầu tư hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động kinh doanh để bảo toàn vốn.

Tuy nhiên, theo cá nhân tôi đánh giá năm 2016, các TCKT hoạt động kinh doanh có hiệu quả, vì số tiền gửi của các TCKT tăng nhưng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố vẫn ở mức cao nhất cả nước, đạt 24,73% (trong khi đó, cả nước chỉ đạt 18,71%). Dư nợ cho DN vay đạt 65.000 tỷ đồng, chiếm 70,27% trên tổng dư nợ, tăng 24,65% so với cuối năm 2015. Điều này chứng tỏ các TCKT vẫn tiếp tục vay tiền từ các TCTD để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong năm 2016 không có bất cứ TCKT nào than phiền gặp khó khăn trong tiếp cận vốn cũng như lãi suất của các TCTD như những năm trước đây.

P.V: Nhiều ý kiến cho rằng, các TCTD trên địa bàn thành phố tìm cách “né” cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ (như cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/CP, cho vay mua nhà ở xã hội, cho vay nông nghiệp nông thôn...). Ông nghĩ sao về việc này?

Ông Võ Minh: Tính đến nay, dư nợ cho vay của các lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, cho vay theo Nghị định 67/CP với số tiền 80,63 tỷ đồng; cho vay mua nhà ở xã hội gồm 1.317 khách hàng cá nhân với tổng số tiền đạt 428,03 tỷ đồng; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 3.077 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 2.700 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 1.558 tỷ đồng; DN nhỏ và vừa đạt 30.924 tỷ đồng; DN ứng dụng công nghệ cao đạt 59 tỷ đồng.

Vừa qua, tình hình ô nhiễm môi trường tại nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân nên các TCTD phải thẩm định dự án kỹ càng hơn vừa đảm bảo hiệu quả cho ngư dân vừa đảm bảo nguồn vốn cho các TCTD.

Tuy vậy, những lĩnh vực vay vốn ưu tiên thường thủ tục phức tạp đòi hỏi tốn nhiều thời gian nên cả người đi vay lẫn TCTD không mặn mà chưa kể lãi suất cho vay thương mại trong thời gian qua đã giảm mạnh nên nhiều khách hàng chọn hình thức vay vốn thông thường để nhanh chóng được giải quyết.

ong vo minh giam doc nhnn chi nhanh da nang nam 2017 han che tin dung doi voi bat dong san cao cap
Năm 2017, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được kéo giảm để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Trong ảnh giao dịch tại Sacombank Đà Nẵng.

P.V: Năm 2016, các TCTD trên địa bàn thành phố mở “hầu bao” cho vay lĩnh vực BĐS dẫn đến thị trường BĐS liên tục sôi động. Vậy năm 2017, các TCTD có hạn chế cho vay trong lĩnh vực này để ngăn chặn “bong bóng” BĐS có thể xảy ra?

Ông Võ Minh: Năm 2016, tín dụng ở lĩnh vực BĐS tăng nhiều so với năm 2015, chiếm khoảng 20% so với tổng dư nợ trên địa bàn thành phố. Chính dòng tín dụng này tạo cho thị trường BĐS sôi động đã gián tiếp hỗ trợ có hiệu quả cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm 2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tín dụng cho vay trong lĩnh vực BĐS vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các TCTD và NHNN Chi nhánh Đà Nẵng. Dự kiến, dòng tín dụng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017, trong đó, ưu tiên tập trung chủ yếu vào nhu cầu mua đất xây nhà ở, sửa chữa nhà và hạn chế cho vay kinh doanh BĐS cao cấp.

Ngoài ra, để kiểm soát tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên địa bàn theo hướng đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố, ngành NH tiếp tục phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời, kiểm soát tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%, kiểm soát chặt lạm phát, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ...

P.V: Xin cảm ơn ông!

Xuân Đương