|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump thực sự có quyền rút Mỹ khỏi WHO không?

14:00 | 30/05/2020
Chia sẻ
Một số chuyên gia luật cho rằng ông Trump đã vượt quá quyền hạn của tổng thống khi ra quyết định đơn phương rằng Mỹ sẽ chấm dứt quan hệ với WHO. Thậm chí Quốc hội Mỹ có thể kiện ông lên tòa án liên bang nếu kiên quyết thực hiện ý định của mình.
Ông Trum thực sự có quyền rút Mỹ khỏi WHO không? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 29/5, ông Trump tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ giữa Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông Trump cho biết quyết định trên được đưa ra vì WHO đã "thất bại trong việc thực hiện" những cải cách mà Mỹ yêu cầu, theo National Public Ratio (NPR).

Tuần trước, ông Trump đã gửi thư cho tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nêu rõ quan điểm của ông về việc tổ chức này thiên vị Trung Quốc. Đồng thời, ông Trump yêu cầu WHO "cam kết sẽ cải tổ mạnh mẽ trong 30 ngày tới."

Hiện không rõ những cải cách cụ thể mà Mỹ yêu cầu là gì, vì những cuộc thảo luận này chưa được công khai. 

Mỹ là một trong những bên đóng vai trò lớn trong việc thành lập WHO năm 1948, và là một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho tổ chức này. Theo ông Trump, mỗi năm Mỹ cấp cho WHO khoảng 450 triệu USD.

Từ lâu, ông Trump đã khó chịu với số tiền lớn mà WHO nhận được từ Mỹ. Tại cuộc họp báo, ông Trump phàn nàn rằng Mỹ đóng góp cho WHO nhiều hơn hẳn Trung Quốc, nhưng lại không có nhiều quyền lực hơn trong tổ chức này, theo NPR

Tuy nhiên, nhiều người đặt ra nghi vấn rằng liệu tổng thống Mỹ có thể đưa ra quyết định đơn phương rút khỏi WHO hay không.

"Việc này vượt quá thẩm quyền theo hiến pháp của tổng thống", ông Larry Gostin, Giám đốc Viện O'Neill về Luật Sức khỏe Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown cho biết.

Ông Gostin tin rằng Tổng thống Trump sẽ cần tới sự phê chuẩn của Quốc hội để chấm dứt tư cách thành viên WHO của Mỹ.

"Chỉ khi đã được Quốc hội đồng ý trước và giao quyền lực, ông Trump mới có thể rút Mỹ khỏi WHO", Giáo sư y tế công cộng Kelley Lee tại Đại học Simon Fraser cho biết.

"Các cố vấn pháp lí có nhiệm vụ thông báo cho tổng thống biết ông ấy có quyền hạn đến đâu. Hoặc là ông Trump không được nhận những lời khuyên tốt, hoặc ông ta không thèm nghe chúng", Giáo sư Kelley nhận xét.

Ông Trump có thể bị Quốc hội kiện lên tòa án liên bang nếu tiếp tục thực hiện theo tuyên bố của mình, ông Gostin cho biết. Tuy nhiên, ông Trump vẫn sẽ thành công trong việc ngưng tài trợ của Mỹ cho WHO cho đến khi phán quyết của tòa được đưa ra.

"Đây là một quyết định rất lớn", ông Gostin nói. Nhưng ông cho rằng quyết định này được đưa ra không đúng lúc, trong bối cảnh các nước thu nhập thấp và trung bình đang rất cần được WHO hỗ trợ để đối phó với đại dịch COVID-19.

"Việc khiến sự hỗ trợ của WHO bị gián đoạn và chậm trễ là không thể tha thứ được. Rất nhiều mạng sống sẽ bị mất", ông Gostin cảnh báo.

Các chuyên gia y tế toàn cầu cũng nhận định quyết định rời khỏi WHO của ông Trump là rất nguy hiểm.

Tiến sĩ Howard Koh, cựu Thư kí Bộ trưởng Y tế dưới thời chính quyền Tổng thống Obama cho biết: "Quyết định này thực sự rất thiển cận và thiếu sáng suốt. Tất cả những gì nó làm là khiến sinh mạng của người Mỹ gặp nguy".

Ông Lamar Alexander, Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện cũng không đồng ý với quyết định của ông Trump. "Việc rút tư cách thành viên của Mỹ trong WHO có ảnh hưởng tới các thử nghiệm lâm sàng cần thiết cho sự phát triển của vắc xin chống COVID-19. Không chỉ Mỹ và người dân những quốc gia khác cũng rất cần vắc xin này".

Tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ tuyên bố: "Mỹ đã giúp tạo ra WHO. Và giờ chúng ta đang quay lưng lại với tổ chức này - chúng ta đang quay lưng lại với thế giới. Điều đó làm cho chúng ta và cả thế giới trở nên kém an toàn hơn".

Giang