|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Ông trùm' đường cao tốc đang gánh khoản nợ hơn 87.000 tỉ đồng

15:33 | 02/07/2019
Chia sẻ
Nợ phải trả của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tính đến cuối năm 2018 đã vượt hơn 87.000 tỉ đồng, tăng 7.700 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, tổng nợ đang chiếm 90% cơ cấu nguồn vốn và phần lớn hình thành từ các khoản vay tài chính dài hạn.

Tại thời điểm 31/12/2018, tổng các khoản vay nợ của VEC là hơn 87.000 tỉ đồng. Trong đó các khoản vay World Bank là hơn 230 triệu USD (5.400 tỉ đồng), vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản 136 tỉ JPY (gần 29.000 tỉ đồng), vay Ngân hàng Phát triển châu Á hơn 1,3 tỉ USD (hơn 31.200 tỉ đồng) cùng với 900 tỉ đồng trái phiếu.

Bên cạnh đó, VEC còn có gần 8.000 tỉ đồng gốc và lãi trái phiếu phải trả Bộ Tài chính.

cao toc

VEC đang gánh khoản nợ hơn 87.000 tỉ đồng. Ảnh: Zing.vn

Hầu hết  hợp đồng vay được thực hiện để tài trợ vốn cho các dự án cao tốc như Nội Bài – Lào Cai, Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi... với thời hạn thanh toán dao động từ 16 đến 40 năm.  

 Đáng nói, hợp đồng vay của VEC được giải ngân bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD và yen Nhật) nên ngoài lãi vay và phí cam kết, năm ngoái VEC còn ghi nhận lỗ chênh lệch tỉ giá hơn 2.100 tỉ đồng.

Khoản lỗ này là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế giảm 390 lần so với năm trước, đạt chưa đến 3 tỉ đồng trong khi doanh thu thu phí cao tốc và lãi tiền gửi ngân hàng đều tăng. Dù vậy, con số này vẫn cao gấp 6 lần so với kế hoạch được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Theo kế hoạch năm ngoái, VEC đặt mục tiêu doanh thu xấp xỉ 3.400 tỉ đồng và lợi nhuận 365 triệu đồng. Nguồn thu khai thác các tuyến cao tốc chiếm hơn 92% trong cơ cấu doanh thu, phần còn lại đến từ lãi góp vốn và tiền gửi đầu tư ngắn hạn.

VEC là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của nhiều tuyến đường cao tốc quan trọng như Hà Nội - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành...

Với việc đầu tư nhiều dự án lớn như vậy nên tổng tài sản của VEC khá lớn, đạt gần 97.000 tỉ đồng tại thời điểm 31/12/2018. Tuy vậy, phần lớn tài sản của VEC được hình thành từ vốn vay - chủ yếu là các khoản vay bằng ngoại tệ nên kết quả kinh doanh chịu tác động rất lớn từ biến động tỉ giá.

Hoạt động của VEC theo hình thức vừa đầu tư, vừa quản lý, khai thác. Ưu điểm của mô hình này là tiếp cận được các nguồn vốn vay không ưu đãi của các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Chính phủ đánh giá mô hình doanh nghiệp như VEC sẽ góp phần làm giảm gánh nặng nợ công, giúp Nhà nước ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc có hiệu quả tài chính không cao, nhưng phục vụ mục tiêu an ninh - quốc phòng, kinh tế - xã hội…

Tuy nhiên, sau hơn chục năm hoạt động, VEC rơi vào tình trạng nợ nần. Do đó, tại Quyết định 2393 ban hành năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của VEC từ 1.000 tỉ đồng đến năm 2019 sẽ tăng lên 72.602 tỉ đồng (chuyển nợ thành vốn), giúp VEC có nguồn lực để tiếp tục huy động vốn đầu tư các tuyến đường cao tốc.

B.Nguyên