Ông Trịnh Văn Quyết: 'Cần bãi bỏ cách ly tập trung đối với khách quốc tế'
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (Mã: FLC) nêu quan điểm: "Bộ Y tế cần bãi bỏ cách ly tập trung với khách quốc tế nhập cảnh. Nếu chúng ta không bắt cách ly tập trung với khách nội địa thì không lý gì lại áp dụng điều này với khách quốc tế nhập cảnh đã tiêm đầy đủ vắc xin, đã có chứng nhận âm tính".
"Bãi bỏ điều này sẽ giúp du lịch - dịch vụ, giao thương và nhiều lĩnh vực liên quan có cơ hội hồi sinh thực sự, tạo thêm hàng loạt việc làm mới, tạo thêm sinh khí mới cho nền kinh tế", ông Quyết nhấn mạnh.
Hiện tại, theo nhiều nguồn tin, Bộ Y tế đang chuẩn bị ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khoẻ đối với người nhập cảnh vào Việt Nam, có thể trên tinh thần tương tự như đối với người từ vùng dịch đến các địa phương khác ở trong nước.
Cụ thể, đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính chỉ tự cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà với thời gian bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Đây sẽ là tin vui với công dân Việt Nam đi lao động, học tập, công tác, thăm thân nhân bị mắc kẹt lại nước ngoài do dịch; người Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là hướng dẫn này sẽ áp dụng với khách quốc tế ra sao? Nếu khách quốc tế vẫn phải tự cách ly, theo dõi tại một địa điểm nào đó (ví dụ như khách sạn) trong 7 ngày thì bộ hướng dẫn mới cho đối tượng khách này về cơ bản chưa có gì khác biệt so với bộ quy định cũ được Bộ Y tế ban hành và áp dụng từ tháng 8/2021 đến nay.
Trước đó, đánh giá về thời gian cách ly dành cho khách quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu phải cách ly 7 ngày, kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ đang chuẩn bị triển khai từ tháng 1/2022 sẽ khó khả thi.
Vì nếu buộc phải cách ly y tế dù là tập trung hay tại nhà, thì chỉ những người Việt hồi hương hoặc khách buộc phải đến Việt Nam để làm ăn mới chấp nhận.
"Việc cách ly tập trung sẽ khiến khách không bay, vì khách du lịch, làm ăn không ai đến Việt Nam để phải ở một tuần trong khách sạn", TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam nói.
Theo ông, Việt Nam đã cam kết áp dụng "hộ chiếu vắc xin" đối với nhiều quốc gia kiểm soát dịch tốt; như vậy, với những địa bàn trọng điểm của hàng không du lịch cần đối xử bình đẳng với khách có hộ chiếu vắc xin, bằng cách không yêu cầu cách ly.
Để phòng chống dịch, tránh chở F0 từ nước ngoài về gây lây lan dịch ở Việt Nam, có thể xem xét giải pháp tạo hành lang khép kín giữa hàng không và du lịch để khách nghỉ ngơi, vui chơi trong không gian nhất định đó, với những hướng dẫn chặt chẽ về các vấn đề đón khách an toàn từ khi nhập cảnh đến xuất cảnh.
Chung quan điểm, theo PGS.TS Ngô Trí Long, khách nước ngoài tiêm đủ hai liều vắc xin số lượng rất lớn, họ có nhu cầu được đến Việt Nam du lịch. Cần coi đây là cơ hội để phục hồi kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương, trong bối cảnh hàng không là động lực phát triển của nền kinh tế, còn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với doanh thu 35 tỷ USD mỗi năm.
Do đó, ông Long đề xuất nên quản lý, giám sát khách quốc tế bằng ứng dụng công nghệ, không cách ly đối với khách đã tiêm hai mũi, xét nghiệm âm tính khi đến Việt Nam.