|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Phạm Nhật Vũ vừa bị bắt với cáo buộc đưa hối lộ là ai?

15:00 | 13/04/2019
Chia sẻ
Ông Phạm Nhật Vũ sinh năm 1973, quê tại Hải Phòng. Ông từng làm việc nhiều năm tại Liên Xô, sau đó về nước và bắt đầu đầu tư kinh doanh các lĩnh vực khoáng sản, truyền thông. Là người kín tiếng, ông Vũ rất ít xuất hiện trên mặt báo, nhưng mỗi lần xuất hiện đều khiến dư luận xôn xao.

Ngày 12/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Phạm Nhật Vũ (47 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG) để điều tra tội Đưa hối lộ, theo khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc ra quyết định tố tụng với ông Vũ nằm trong diễn biến điều tra mở rộng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone và các đơn vị có liên quan.

Ông Phạm Nhật Vũ sinh năm 1973, quê tại Hải Phòng. Ông từng làm việc nhiều năm (suốt thập niên 90 và đầu những năm 2000) tại Liên Xô. Sau đó ông về nước và bắt đầu đầu tư kinh doanh vào các lĩnh vực khoáng sản và truyền thông.

Ông Phạm Nhật Vũ vừa bị bắt với cáo buộc đưa hối lộ là ai? - Ảnh 1.

Ông Phạm Nhật Vũ là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực truyền hình trả tiền với việc thành lập CTCP Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG (Truyền hình An Viên).

Năm 2004, ông Phạm Nhật Vũ bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu truyền hình trả tiền. 4 năm sau, CTCP Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG (Truyền hình An Viên) chính thức ra đời và phát sóng 2 năm sau đó, đến 2011 thì đưa vào khai thác thương mại. Truyền hình An Viên có vốn điều lệ 1.800 tỉ đồng, hiện đang là một trong những đơn vị nắm giữ nhiều giấy phép nhất trong số các doanh nghiệp truyền hình trả tiền được cấp phép.

Mục đích mà ông Vũ đặt ra là đến năm 2020, AVG lọt top 3 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Nhưng thực tế, theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông năm 2016, doanh thu truyền hình trả tiền đứng đầu là SCTV (Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist), tiếp đến là VSTV (sở hữu hệ thống K+) và VTC.

Trong khi đối thủ tăng trưởng không ngừng về số thuê bao thì AVG lại gần như chững lại. Các thuê bao của công ty có giá cước rẻ, thậm chí là miễn phí thuê bao trong 1 – 2 năm, nên chủ yếu phát triển ở vùng nông thôn, không nhiều khả năng gia tăng nguồn thu từ dịch vụ khác.

Theo thông tin công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Nghe nhìn toàn cầu có mã số doanh nghiệp là 3700999015, thành lập ngày 15/8/2008, địa chỉ trụ sở chính tại số 324 Đại lộ Bình Dương, phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Thông tin về ông Phạm Nhật Vũ nằm trong mục "Thông tin về người quản lý khác" của công ty. Theo đó, ông Vũ là thành viên Hội đồng quản trị (cùng với 3 thành viên Hội đồng quản trị khác).

Báo chí thông tin, ông Phạm Nhật Vũ là Chủ tịch An Viên Group với nhiều công ty con như: CTCP Nghe Nhìn Toàn cầu, CTCP Viễn thông và Truyền thông An Viên, CTCP An Minh, CTCP Truyền thông Tri thức…

Còn tìm hiểu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Phạm Nhật Vũ có liên quan đến nhiều công ty khác nhau.

Cụ thể, tại bản công bố đăng ký thay đổi thông tin của Công ty TNHH Truyền hình Công an Nhân dân vào tháng 10/2015 có nhắc đến ông Vũ. Công ty có mã số doanh nghiệp 0105108522; thành lập ngày 10/1/2011; địa chỉ trụ sở chính tại số 15AV Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Địa chỉ này trùng với địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của ông Vũ. Ông Phạm Nhật Vũ đồng thời cũng chính là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Danh sách thành viên góp vốn của công ty cũng thay đổi, ban đầu gồm ba đơn vị là (1) Trung tâm Phát thanh Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân góp 51% vốn; (2) CTCP Viễn thông và Truyền thông An Viên góp 29% vốn; (3) CTCP Nghe Nhìn Toàn cầu (AVG) góp 20% vốn còn lại. Đến ngày 23/9/2015 (ngày cấp đăng ký thay đổi), danh sách thành viên chỉ còn (1) Trung tâm Phát thanh Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân vẫn góp 51% vốn và (2) CTCP Viễn thông và Truyền thông An Viên góp 49% (công ty này đã nhận chuyển nhượng 20% cổ phần từ AVG).

Ông Phạm Nhật Vũ vừa bị bắt với cáo buộc đưa hối lộ là ai? - Ảnh 2.

Danh sách thành viên góp vốn ban đầu của Công ty TNHH Truyền hình Công an Nhân dân. (Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp)

Còn trong bản đăng ký thay đổi thông tin của CTCP Viễn thông và Truyền thông An Viên công bố vào tháng 1/2015, ông Phạm Nhật Vũ được nhắc đến là một trong những cổ đông sáng lập với tỉ lệ vốn góp lên đến 99,8%, tương ứng với số tiền 59,88 tỉ đồng. Hai cổ đông sáng lập còn lại là CTCP An Viên và cá nhân ông Quách Mạnh Lâm.

Văn phòng đại diện của công ty tại Hà Nội cũng được đặt tại địa chỉ số 15AV Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội – chính là địa chỉ đăng ký thường trú của ông Vũ.

Ông Phạm Nhật Vũ vừa bị bắt với cáo buộc đưa hối lộ là ai? - Ảnh 3.

Ông Phạm Nhật Vũ là một trong những cổ đông sáng lập với tỉ lệ vốn góp lên đến 99,8% tại CTCP Viễn thông và Truyền thông An Viên. (Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp)

Ngoài ra, ông Phạm Nhật Vũ cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Viễn thông và Ứng dụng Thiên An. Công ty có mã số doanh nghiệp 3400886701, thành lập ngày 16/12/2010; địa chỉ trụ sở chính tại B21 Lương Thế Vinh, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

'Chấn động' thương vụ Mobifone mua AVG

Là người kín tiếng trước truyền thông, ông Phạm Nhật Vũ rất ít xuất hiện trên mặt báo, nhưng mỗi lần xuất hiện đều khiến dư luận xôn xao. Lần đầu là năm 2010, khi công ty của ông giành được thương vụ độc quyền phát sóng giải V-League trong 20 năm.

Còn hiện nay, cái tên Phạm Nhật Vũ lại được biết đến gắn liền với quyết định hủy bỏ thương vụ trị giá gần 8.900 tỉ đồng với Mobifone. Cụ thể, Mobifone từng công bố đã mua 95% cổ phần của AVG vào năm 2016. Nhưng 2 năm sau, hợp đồng mua bán giữa hai bên được thống nhất hủy bỏ dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông. AVG nhận lại cổ phần công ty và hoàn trả các khoản tiền đã nhận từ Mobifone, còn Mobifone làm các thủ tục hủy bỏ Hợp đồng và trả lại quyền kiểm soát công ty.

Mức giá chuyển nhượng được đánh giá là quá cao so với giá trị thực sự của doanh nghiệp, bởi tại thời điểm đó thực trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của AVG không tốt, từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ… Thanh tra Chính phủ kết luận, sau khi loại trừ giá trị tài sản vôn hình và loại trừ nợ phải trả thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm ngày 31/3/2015 chỉ là 1.983 tỉ đồng. Mức chênh lệch so với giá mua 95% cổ phần của AVG cho thấy nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước tại Mobifone (khoảng hơn 7.000 tỉ đồng)…

Đã có nhiều lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo của Mobifone bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ việc mua cổ phần AVG. Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ.

N. Lê