Ông Nguyễn Văn Nên làm trưởng ban chỉ đạo xây dựng Trung tâm tài chính TP HCM
Việc thành lập Ban chỉ đạo này được thống nhất sáng 2/1 tại cuộc họp nghe báo cáo chuẩn bị tổ chức hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện kết luận số 47 của Bộ Chính trị về xây trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Ban chỉ đạo dự kiến có 29 thành viên do Bí thư Thành ủy TP HCM làm trưởng ban, các thành viên khác là người đứng đầu các cơ quan liên quan. Theo ông Nguyễn Văn Nên, các thành viên tham gia đều có việc để làm, không cơ cấu hình thức. Đồng thời, thành lập tổ giúp việc do Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi làm tổ trưởng, có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành các công việc chuẩn bị.
Theo ông Nên, việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế (IFC) được thành phố chuẩn bị từ sớm, có nhiều đề án, công trình nghiên cứu cùng kế hoạch học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Địa phương cũng tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để thu thập các ý kiến đóng góp cho trung tâm trong tương lai.
"Việc thành lập trung tâm tài chính sẽ chưa có kết quả ngay trong năm 2025 nhưng tạo nền tảng góp phần cho sự tăng trưởng của TP HCM trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để thành phố thu hút nhà đầu tư quốc tế, tăng nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực", ông Nên nói.
Người đứng đầu Đảng bộ TP HCM đề nghị các cơ quan khẩn trương ban hành quy chế, kế hoạch hoạt động và phân công đơn vị chủ trì chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5. Việc chuẩn bị cần bám sát Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, xây dựng chính sách, cơ chế, hành lang pháp lý và đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực đảm bảo cho hoạt động của trung tâm tài chính.
Ông Nên cho rằng trung tâm tài chính sẽ giúp thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn quốc tế, có thêm lựa chọn cho chiến lược sản xuất, kinh doanh. Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM cũng góp phần hiện thực hóa xây dựng tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai, hệ thống cảng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Trong việc chuẩn bị nhân sự cho trung tâm tài chính, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cơ quan chủ động tuyển dụng từ nguồn nhân lực hiện có, kết hợp các chính sách khác. Nhân lực của trung tâm tài chính có thể được đào tạo ngắn hạn tại các trung tâm tài chính quốc tế lớn trên thế giới.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện là việc rất quan trọng, mới và khó. Tuy nhiên, đây sẽ là cú hích, động lực mới cho sự phát triển của thành phố thời gian tới.
Chủ tịch TP HCM cũng yêu cầu các sở ngành chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến hạ tầng, nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế. Trong đó, quan trọng nhất là việc hình thành bộ máy bên trong để quản lý Trung tâm tài chính, đó là hội đồng quản lý, cơ quan xử lý các phát sinh....
"Quan trọng nhất là thành phố phải xây dựng môi trường chung, trong đó có môi trường đầu tư kinh doanh, để các doanh nghiệp, các đơn vị đến đây phải hài lòng", ông Mãi nói.
Dự kiến, ngày 4/1, Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam sẽ diễn ra ở TP HCM. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM và UBND TP Đà Nẵng tổ chức.
Thường trực Chính phủ sẽ công bố quyết định ra mắt Ban chỉ đạo trung ương và hai Ban chỉ đạo địa phương ở TP HCM và Đà Nẵng để triển khai xây dựng trung tâm tài chính.