Ông lớn lũng đoạn giá thịt heo có thể bị xử hình sự
Xem thêm: Giá thịt heo hôm nay ngày 18/12
Ngày 17-12, Bộ Công Thương đã thông tin về tình hình giá thịt heo và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019.
Theo Bộ Công Thương, từ tháng 6-2019, giá mặt hàng thịt heo có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60%-80% so với tháng 9 và tăng 60%-95% so với đầu năm 2019).
Giá các sản phẩm thịt heo hiện đang ở mức rất cao (heo hơi hiện ở mức 80.000-90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước, giá thịt heo thành phẩm ở mức 160.000-180.000 đồng/kg, tăng 15.000-20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12-2019).
Nguyên nhân của biến động giá này xuất phát từ ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến cuối tháng 6 đã lan rộng trên phạm vi toàn quốc.
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi heo đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt heo.
Đáng chú ý, do nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng, trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định hiện nay nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này đã bình thường trở lại và như thường lệ sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (tăng mạnh nhất trong tháng 1-2020).
Do vậy, dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5%-10% so với năm 2018 do giá quá đắt nhưng vấn ở mức cao, khoảng 300.000-320.000 tấn/tháng. Như vậy, dự báo nhu cầu cho tháng 12-2019 và tháng 1-2020 khoảng 600.000 tấn.
Về giải pháp, ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ NN&PTNT cung cấp số liệu chính xác về mức độ thiếu hụt mặt hàng thịt heo dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020; thông báo đến Bộ Công Thương về kế hoạch tái đàn và dự kiến nguồn cung đối với mặt hàng thịt heo đối với tháng 1-2020 và quý I-2020 để bảo đảm bù đắp thiếu hụt nguồn cung.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các nhà sản xuất cung ứng đủ thịt heo và cam kết giảm giá bán để kênh phân phối tham gia bình ổn thị trường tiếp cận trực tiếp nguồn hàng với giá hợp lý.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đang có kế hoạch thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành (Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và lực lượng công an, thú y…) kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Trong đó tập trung vào việc kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. “Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ” - Bộ Công Thương cho hay.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt heo chính ngạch vào Việt Nam. Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hoàn toàn căn cứ vào nhu cầu thực tế để thực hiện việc nhập khẩu và sẽ chịu sự kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm dịch của Bộ NN&PTNT.
Bộ Công Thương cho rằng khó khăn hiện nay trong việc nhập khẩu vẫn chủ yếu là hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt heo đông lạnh sau nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng thịt heo đông lạnh vẫn rất khiêm tốn, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thịt heo đạt 96.000 tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thịt heo được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, Đức, Mỹ, Hà Lan.
Tuy nhiên, lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết.
Tại TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM đã đưa ra giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thịt heo, trong đó TP.HCM đã huy động các doanh nghiệp kinh doanh chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ mặt hàng thịt heo và các sản phẩm thịt khác. (Vissan dự trữ 3.600 tấn thịt heo trong 45 ngày trước, trong và sau tết).