Ông lớn Hàn Quốc 'kín tiếng' đầu tư vào Việt Nam chỉ sau Samsung, LG là ai?
Tập đoàn Hyosung được thành lập vào năm 1962 tại Hàn Quốc, khởi đầu với hoạt động sản xuất và kinh doanh trong ngành dệt may. Qua nhiều năm phát triển, Hyosung đã trở thành một tập đoàn đa ngành, với các lĩnh vực kinh doanh mở rộng sang hóa chất, công nghiệp vật liệu, xây dựng, hệ thống điện và công nghệ thông tin.
Hyosung là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về sợi spandex, một loại sợi đàn hồi được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp may mặc. Ngoài ra, Hyosung cũng là một trong những tập đoàn sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới, cung cấp nguyên liệu cho các thương hiệu lốp nổi tiếng.
Về kết quả kinh doanh, theo cập nhật mới nhất, năm 2022, Hyosung đạt doanh thu khoảng 3.719 tỷ won, với lợi nhuận 25 tỷ won. Đọng lực tăng trưởng đến từ lĩnh vực vật liệu công nghiệp và hóa chất, đặc biệt là nhựa polypropylene (PP) và sợi spandex, hai sản phẩm chủ lực của tập đoàn trên thị trường toàn cầu.
Hyosung bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, khi công ty xây dựng nhà máy đầu tiên tại Đồng Nai để sản xuất nguyên liệu cho săm và lốp. Đây là bước khởi đầu cho quá trình mở rộng của tập đoàn tại Việt Nam. Từ đó đến nay, Hyosung đã không ngừng gia tăng quy mô đầu tư và mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hiện tại, Hyosung đã đầu tư tổng cộng khoảng 4 tỷ USD vào các dự án tại Việt Nam, tạo ra hơn 9.000 việc làm tại các tỉnh thành như Bắc Ninh, Quảng Nam, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cuối năm 2021, tập đoàn khánh thành tổ hợp sản xuất nhựa polypropylene (PP) và kho chứa khí hóa lỏng LPG tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với công suất 650.000 tấn/năm. Đây là một trong những dự án quan trọng, giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp nguyên liệu PP lớn trên thế giới.
Ngoài việc mở rộng sản xuất, Hyosung đã không ngừng tăng cường vốn đầu tư tại Việt Nam. Ngày 14/10, tập đoàn đã thông báo kế hoạch đầu tư thêm 4 tỷ USD vào Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Cho Hyun-joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung, khẳng định môi trường đầu tư của Việt Nam rất đáng tin cậy. Ông tin rằng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất của châu Á.
Khoản đầu tư này dự kiến sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao và bền vững như sản xuất sợi carbon, công nghệ sinh học và nhà máy nhiên liệu sinh học. Đồng thời, Hyosung cũng cam kết tạo thêm khoảng 10.000 việc làm mới tại địa phương.
"Hyosung đang thực hiện cam kết đặt tương lai 100 năm tới tại đây, tự định vị không chỉ là công ty Hàn Quốc mà còn là công ty Việt Nam", ông Cho Hyun-joon nói.
Không chỉ riêng Hyosung, Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ nhiều tập đoàn Hàn Quốc khác, bao gồm các ông lớn như Samsung và LG.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến giữa năm 2024, Hàn Quốc là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam với hơn 10.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt gần 87,5 tỷ USD. Các tập đoàn lớn như Samsung, LG và Hyosung đã đầu tư mạnh vào nhiều lĩnh vực từ công nghệ, điện tử cho đến sản xuất vật liệu công nghiệp.
Samsung đã đầu tư hơn 22,4 tỷ USD và trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất tại Việt Nam. Tập đoàn này hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, sản xuất điện thoại di động tại 4 nhà máy Việt Nam chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu của tập đoàn. Dự kiến xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng hơn 10% so với năm 2023, khi mà 4 doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp một phần ba tổng lợi nhuận toàn cầu của Samsung năm ngoái.
LG cũng cam kết đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất điện tử và các sản phẩm công nghệ cao.Tổng vốn đầu tư đăng ký của LG tại Việt Nam là 8,02 tỷ USD, doanh thu ước tính năm 2023 là 13,97 tỷ USD. Các dự án của LG đều đặt tại Hải Phòng. LG cũng đang vận hành trung tâm R&D tại Hà Nội và Đà Nẵng với hơn 1.000 nhân lực.
Bên cạnh hai doanh nghiệp sản xuất này, tập đoàn CJ cũng đáng chú ý. CJ đầu tư vào Việt Nam từ năm 1998 với tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD, hiện có 24 công ty thành viên, doanh thu 2023 đạt 1,4 tỷ USD, với 11.200 lao động.