Ông lớn đổ bộ, giá đất khu vực ĐBSCL sẽ bật tăng?
Dòng tiền lớn tìm về
Thị trường bất động sản khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian gần đây đang được giới đầu tư quan tâm. Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã tìm đến khu vực đề xuất làm dự án.
Đơn cử, tại Cần Thơ, Tập đoàn Sovico vừa qua đã đề xuất đầu tư loạt dự án như Khu đô thị mới (khoảng 948 ha) để kết nối cùng với dự án trung tâm logistics hàng không; dự án trung tâm logistics hàng không Cần Thơ tại quận Bình Thủy (khoảng 50 ha).
Tập đoàn Hòa Phát cũng vừa được chấp thuận nghiên cứu đầu tư ba dự án tại Cần Thơ như: Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy (khoảng 452 ha), Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng (hơn 88 ha), Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (hơn 6 ha).
Tại Đồng Tháp, Tập đoàn Masterise đang nghiên cứu đầu tư dự án Khu đô thị mới phường 3, TP Cao Lãnh.
Tại Hậu Giang, Tập đoàn FLC đang nghiên cứu quy hoạch hai khu đô thị tại TP Vị Thanh. Dự án thứ nhất là KĐT mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh phường V với quy mô khoảng 185 ha. Dự án thứ hai là Khu đô thị mới Nam Vị Thanh (phường V, TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy) với quy mô khoảng 170 ha.
Tại Bạc Liêu, Tập đoàn FLC vừa được chấp thuận đầu tư thực hiện ba dự án, gồm: Dự án nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch Đông (hơn 11 ha), Dự án nhà ở kết hợp quảng trường Vĩnh Trạch Đông (hơn 12 ha) và Dự án nhà ở kết hợp công viên cây xanh Vĩnh Trạch Đông (hơn 8,5 ha).
Tại Cà Mau, Tập đoàn T&T vừa trúng thầu dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị mới khóm 5 (phường 1, TP Cà Mau). Dự án có quy mô gần 23 ha, tổng chi phí thực hiện hơn 1.000 tỷ đồng. Trước đó, hồi tháng 3, tập đoàn này đã ký kết hợp tác chiến lược với tỉnh Cà Mau, tiến tới đầu tư nhiều dự án lớn tại địa phương này,...
Thị trường bất động sản dự báo sôi động
Theo giới chuyên gia, nhờ đòn bẩy từ hạ tầng giao thông và sự tăng trưởng kinh tế, bất động sản ĐBSCL sẽ có biên độ tăng trưởng ổn định qua từng năm, nhanh chóng cân bằng với các tỉnh Đông Nam Bộ và TP HCM.
Tại tọa đàm trực tuyến “Nhận diện lực đẩy bất động sản Tây Nam bộ giai đoạn cuối năm 2021” diễn ra mới đây, ông Dương Quốc Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ cho biết, có 5 yếu tố chính giúp thị trường bất động sản ĐBSCL phát triển, có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong thời gian gần đây.
Trong đó, yếu tố thứ nhất liên quan đến tăng trưởng kinh tế. 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng GRDP toàn vùng đạt 4,6%. Trong đó, có 7/13 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao hơn mức tăng bình quân của cả nước là Bạc Liêu, Bến Tre, Long An, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ và Trà Vinh.
Yếu tố thứ hai là tình hình thu hút FDI. Lũy kế đến tháng 6 năm 2021, Long An là tỉnh có số dự án thu hút FDI nhiều nhất với 1.256 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 12 tỷ USD. Tiền Giang đứng vị trí thứ hai về số lượng dự án FDI với 129 dự án, với tổng vốn đầu tư là 2,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu xét về số vốn đăng ký bình quân trên dự án, Bạc Liêu có mức vốn đầu tư cao nhất vùng với 350 triệu USD/dự án, kế đến là Trà Vinh (79 triệu USD/dự án) và Kiên Giang (77 triệu USD/dự án).
Yếu tố thứ ba theo vị chuyên gia này đó là cơ sở hạ tầng giao thông đang ngày càng hoàn thiện. Tổng vốn đầu tư dành cho hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 150.000 tỷ đồng, bao gồm các tuyến cao tốc trục dọc, ngang liên vùng.
Nổi bật là tuyến cao tốc phía Đông: TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau và tuyến cao tốc phía Tây (tuyến N2 đường Hồ Chí Minh) Chơn Thành - Đức Hòa - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; hai tuyến cao tốc trục ngang quan trọng gồm tuyến: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Ngoài ra, vùng còn có các dự án cảng biển quy mô lớn phải kể đến cảng biển quốc tế Trần Đề (Sóc Trăng) và cảng tổng hợp Hòn Khoai (Cà Mau). Bên cạnh đó, dự án đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Yếu tố thứ tư là quỹ đất của vùng ĐBSCL hiện còn nhiều và yếu tố cuối cùng là nguồn cung dồi dào, mặt bằng giá có sức cạnh tranh với các khu vực khác.
Ông Thủy đánh giá, thanh khoản cao và sức mua của thị trường tương đối tốt. 6 tháng đầu năm nay, nguồn cung bất động sản ĐBSCL đạt khoảng 4.000 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng hơn 62%.
"Nếu so với các khu vực kinh tế khác ở miền Bắc, miền Trung hay Đông Nam Bộ thì mặt bằng giá của vùng ĐBSCL vẫn đang ở mức thấp. Xét riêng về TP Cần Thơ - khu đô thị loại I trực thuộc Trung ương, mức giá bình quân tại đây khoảng 21 triệu đồng/m2, tại khu vực trung tâm quận Ninh Kiều khoảng 42 triệu đồng/m2. Mức giá này chưa bằng 1/3 giá tại TP Thủ Đức.
Hoặc tại các đô thị loại I trực thuộc tỉnh như Mỹ Tho (Tiền Giang), mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2, Long Xuyên (An Giang) giá khoảng 29 triệu đồng/m2,... Mức giá này cũng rẻ hơn so với các tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai,...", ông Thủy cho hay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hôi môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, ĐBSCL hội tụ nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, hút các nhà đầu tư. Những lợi thế từ phát triển kinh tế sẽ kéo theo nhiều nhà máy, khu kinh tế trọng điểm được hình thành. Lực lượng lao động trí thức, lao động chất lượng cao về sinh sống và làm việc sẽ gia tăng nhu cầu phát triển nhà ở, khu đô thị, dịch vụ...
"Tất cả những hoạt động đó sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản. Trong khi đó, quỹ đất còn nhiều và mức giá hấp dẫn. Tôi cho rằng, một vài năm nữa, giá đất khu vực ĐBSCL sẽ tăng, cân bằng với các tỉnh Đông Nam Bộ và TP HCM", ông Đính nhận định.