Ông Hoàng Nam Tiến giật mình về ‘bà thím’ Quảng Ninh đầu tư Blockchain
Sáng 4/12 tại Hà Nội, khán phòng hơn 4.000 ánh đèn flashlight đã rực sáng để cổ vũ cho bài chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến - lãnh đạo tập đoàn FPT, khi ông bàn về tương lai của công nghệ AI.
Bài nói chuyện của ông Tiến diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Tech Impact Summit 2024 thu hút khoảng 20.000 người tham gia diễn ra trong hai ngày 3-4/12.
Ông Tiến nói công nghệ ngày hôm nay đã dân chủ hoá và bình dân hoá những điều tưởng chỉ có dân công nghệ, sinh viên các trường công nghệ nói chuyện với nhau.
Ông kể khi bước vào hội trường chính để tham dự sự kiện, ông giật mình tự hỏi không biết liệu có đi nhầm chỗ hay không vì bắt gặp rất nhiều người lớn tuổi. Bằng cảm quan cá nhân, ông tin đây không phải là những người làm nghiên cứu công nghệ.
Sau đó, gặp một người, ông hỏi chuyện và được biết “bà cô” này đến từ một huyện của Quảng Ninh và “đang làm một ít về Blockchain”. Vô cùng sửng sốt, vị lãnh đạo FPT hỏi lại thì được người này khẳng định: “Vâng tôi rất quan tâm Blockchain và đang đầu tư”.
“Đây là một điều tuyệt vời. Ngày hôm nay, từ một cô ở một huyện của Quảng Ninh đã đến và hết sức quan tâm đến chủ đề liên quan đến AI, Blockchain. Rất cảm ơn công nghệ đã giúp chúng ta được điều đó”, ông Tiến cảm kích.
Thực tế, Blockchain là một công nghệ nền tảng. Trong đó, hầu hết các loại tiền số hiện nay đều sử dụng Blockchain để thực hiện các giao dịch phi tập trung.
Vào thời điểm công nghệ chuỗi khối (Blockchain) xuất hiện cùng đồng Bitcoin cách đây 15 năm, công nghệ này được cho là không phù hợp để giao dịch khi mỗi lần thực hiện tốn rất nhiều thời gian.
Có một số ý kiến khi đó cho rằng người ta không thể dùng Bitcoin để thậm chí mua một ly cà phê và khi thanh toán thành công thì cốc cà phê chắc chắn sẽ nguội lạnh. Tuy nhiên, ngày nay hạ tầng công nghệ đã có nhiều thay đổi đáng kể. Tốc độ giao dịch, thậm chí có thể được tính bằng mili giây.
“Chúng tôi đã thực hiện nhiều bản nâng cấp khác nhau để có được phiên bản tốt nhất cho ví của mình. Người dùng có thể kiểm soát, sở hữu tài sản số của mình trên 100 mạng Blockchain khác nhau. Và quan trọng nhất, thời gian phản hồi trên một giao dịch được giảm xuống còn 50 mili giây. Như vậy, đảm bảo cho việc ứng dụng vào các hoạt động kinh tế số có hiệu quả hơn”, ông Jason Lau - Giám đốc Đổi mới sáng tạo của OKX (Singapore), chia sẻ.
Trong những năm qua, tại Việt Nam, Blockchain đã được thí điểm ở nhiều lĩnh vực từ giải trí, nông nghiệp hay bất động sản - giúp nâng cao giá trị tài sản trên không gian số.
Theo thông tin từ sự kiện, chỉ tính riêng tháng 11, giá trị giao dịch tài sản số tại thị trường Việt Nam trên một sàn giao dịch có trụ sở tại Singapore là 12 tỷ USD. Trong khi đó, tại cuộc họp Quốc hội cuối tháng 11, các đại biểu dẫn báo cáo cho rằng hàng năm có khoảng 120 tỷ USD là tiền mã hoá được chuyển vào Việt Nam.
Do đó, Việt Nam luôn được coi là một trong những thị trường tài sản số tiềm năng.
“Blockchain, trí tuệ nhân tạo,… những thứ trước đây tưởng chỉ là ý tưởng, chỉ có trong câu chuyện của đất nước này, đất nước khác thì hiện nay đã đi vào trong ngóc ngách của xã hội chúng ta.
Các tổ chức giao dịch trên thế giới có mặt ngày hôm nay có 10 sàn giao dịch lớn nhất đều thừa nhận rằng Việt Nam là thị trường có độ giao dịch đứng top 4 thị trường giao dịch lớn nhất thế giới”, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI, chia sẻ tại sự kiện ngày 3/12.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có nhiều thời cơ lớn để nắm bắt cơ hội từ tài sản số và công nghệ chuỗi khối nếu dịch chuyển được dòng vốn này sang các hoạt động kinh tế chính thức.
“Việt Nam có nhiều lợi thế. Đầu tiên là dân số trẻ am hiểu công nghệ - đây là điều lý tưởng để áp dụng Blockchain. Thứ hai, nền kinh tế số đang phát triển với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tạo ra môi trường hoàn hảo để Blockchain tích hợp vào nhiều ngành công nghệ khác nhau như tài chính, chuỗi cung ứng và thậm chí là trò chơi điện tử. Mặc dù còn nhiều thách thức tại thị trường này nhưng tôi nghĩ rằng cơ hội lớn hơn rất nhiều”, bà Tracy Jin - Phó Chủ tịch MEXC (Singapore) nói bên lề hội nghị.