|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Hồ Quỳnh Hưng rời ghế Tổng giám đốc Bóng đèn Điện Quang

14:31 | 09/09/2020
Chia sẻ
Tính đến 30/6/2020, ông Hưng nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu DQC, tương ứng sở hữu 7,33% vốn điều lệ của Bóng đèn Điện Quang.

Thông tin từ CTCP Bóng đèn Điện Quang (Mã: DQC), ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT công ty, sẽ thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ ngày 7/9. Công ty chưa có thông tin về nhân sự thay thế vị trí Tổng giám đốc của ông Hưng.

Sau khi rời ghế Tổng giám đốc, ông Hưng vẫn là người đại diện theo pháp luật của Điện Quang.

Ông Hồ Quỳnh Hưng sinh năm 1971, tham gia HĐQT Bóng đèn Điện Quang từ năm 2009. Năm 2010, ông Hưng được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DQC thay chị ruột là bà Hồ Thị Kim Thoa.

Ông Hồ Quỳnh Hưng rời ghế Tổng giám đốc Bóng đèn Điện Quang (DQC) - Ảnh 1.

Ông Hồ Quỳnh Hưng. Ảnh: DQC

Tính đến 30/6/2020, ông Hưng nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu DQC, tương ứng sở hữu 7,33% vốn điều lệ của công ty.

Cổ đông lớn nhất là bà Nguyễn Thái Nga, cháu gái ông Hưng, hiện nắm giữ 12,01% vốn điều lệ công ty. Bà Nga là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Điện Quang.

Hai cổ đông lớn khác của DQC là bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê (cháu gái ông Hưng, đảm nhiệm vị trí giám đốc dự án) và quĩ ngoại Amersham Industries, với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 6,49% và 5,12% vốn điều lệ.

Ngoài ra, các thành viên khác trong gia đình ông Hưng là bà Trần Thị Xuân Mỹ, bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Hồ Đức Lam cũng sở hữu cổ phiếu DQC.

Ước tính theo giá cổ phiếu DQC chốt phiên 8/9 (16.150 đồng/cp), giá trị thị trường của số cổ phần do gia đình ông Hưng đang nắm giữ lên đến gần 190 tỉ đồng.

Ông Hồ Quỳnh Hưng rời ghế Tổng giám đốc Bóng đèn Điện Quang (DQC) - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Báo cáo cập nhật tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2020 của DQC

 Về tình hình kinh doanh, mới đây Điện Quang vừa công bố báo cáo tài chính bán niên với 393 tỉ đồng doanh thu, giảm 4% so với nửa đầu năm 2019. Lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ vỏn vẹn hơn 5 tỉ đồng, giảm gần 65%.

Theo lí giải của DQC, 6 tháng đầu năm công ty chủ động bán hết sản phẩm truyền thống tồn kho và ngừng sản xuất để hạn chế rủi ro cũng như ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp tăng do phát sinh chi phí phòng dịch, phân bổ chi phí phần mềm ERP cũng như đầu tư vào sản phẩm công nghệ, tác động trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thu Thảo