|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Dominic: Chính phủ cần mạnh mẽ hơn trong cổ phần hóa

06:35 | 30/09/2016
Chia sẻ
Ông Dominic nói theo các tài liệu mà Dragon Capital có được, vấn đề cổ phần hóa đã được nhắc tới mười mấy năm. Như Mobifone, 10 năm trước, Chính phủ nói cổ phần hóa rồi ý định thuê ngân hàng đầu tư nước ngoài định giá với giá trị từ 600 triệu USD đến 1,2 tỷ USD nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Chiều ngày 29/9, tại Diễn đàn Kinh doanh 2016, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết ông đánh giá cao những nỗ lực mới của Chính phủ trong việc đảm bảo mức độ tăng trưởng và tạo điều kiện phát triển môi trường đầu tư. Thị trường vốn trong những năm trở lại đây đã có hồi phục, tăng đều phù hợp với thị trường chung.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của thị trường là khai thác sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn. Theo ông Dominic, họ không quan tâm quá nhiều tới bức tranh vĩ mô, họ chỉ lo làm sao để đầu tư và đầu tư có hiệu quả. Song, nếu nhìn từ bên ngoài, thị trường vốn Việt Nam còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư tài chính chưa thực sự đủ tốt. Vì vậy, ông Dominic mong rằng Chính phủ có thể nỗ lực hơn nữa để thị trường vốn hoạt động có hiệu quả hơn.

dai dien quy dragon capital chinh phu can manh me hon trong co phan hoa
Ông Dominic Scriven

Về câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đại diện quỹ Dragon Capital cho rằng đây là chính sách khá rõ nét của Chính phủ Việt Nam nhằm giảm vai trò Nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Mặc dù vậy, ông Dominic cũng nói theo các tài liệu mà Dragon Capital có được, vấn đề cổ phần hóa đã được nhắc tới mười mấy năm. Đơn cử như Mobifone, 10 năm trước, Chính phủ nói cổ phần hóa rồi ý định thuê ngân hàng đầu tư nước ngoài định giá với giá trị từ 600 triệu USD đến 1,2 tỷ USD nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Do đó, ông Dominic nói Chính phủ cần thực hiện mạnh mẽ hơn và dứt khoát hơn vấn đề cổ phần hóa.

Theo chia sẻ của ông Dominic, Dragon Capital đã tham gia tìm hiểu 5 doanh nghiệp cổ phần hóa trong 1 năm nay và thấy nhiều câu chuyện thú vị. "Đầu tư ở Việt Nam cực kỳ khó, quy mô hoạt động của Dragon Capital ở nước ngoài khoảng 20 người nhưng ở Việt Nam lên tới 100 người", ông cho biết.

Cùng nói về vấn đề này, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch UNI Group cho biết thông điệp Thủ tướng Chính phủ trong việc cải cách hành chính, giảm thiểu rủi ro chính sách, cải cách môi trường kinh doanh, tiếp cận vốn - thị trường vốn.... đều rất tích cực. Các doanh nghiệp coi đây là cú hích tinh thần, tạo ra sự hồ hởi nhất định. Thông điệp của Thủ tướng nêu rõ việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động. Tuy nhiên, những tiến bộ đang đạt được có vẻ như còn chưa đủ để xoay chuyển tình thế, thời gian còn quá ngắn để có thể hòa nhập và bản thân doanh nghiệp Việt vẫn chưa đủ điều kiện để phát triển.

Nhiều khách mời cũng nêu ý kiến về việc các thủ tục hành chính còn chưa thực sự được cắt bỏ, làm khó doanh nghiệp. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói bản thân thủ tục hành chính không có lỗi, vấn đề không phải ở chỗ đang duy trì thủ tục hành chính mà là thực hiện thủ tục đó như thế nào, có được hiện đại hóa hay không, chuẩn hóa thi hành trên toàn quốc ra sao? "Không có cách nào để bãi bỏ thủ tục hành chính, mà phải đảm bảo thủ tục đơn giản dễ hiểu, được chuẩn hóa và đơn giản hóa", ông Khánh nói.

Một lần nữa, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định trong 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 5,9% trong khi mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2016 là 6,7%. Con số tăng trưởng này khiến nhiều người lo lắng, e ngại không đạt được mục tiêu năm, tuy nhiên ông Khánh kêu gọi hãy nhìn vào những nỗ lực của Chính phủ hơn là nhìn đến các con số. Ông Khánh lý giải, trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn từ giá dầu thô cũng như tình hình hạn hán nặng nề từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng các chính sách đầu tư công, chính sách tiền tệ vẫn được duy trì ổn định.

Khổng Chiêm